PV: Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, cơ quan soạn thảo đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn, hoặc tham gia không liên tục dẫn đến số năm đóng thấp. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

Ông Robert Palacios
Ông Robert Palacios

Ông Robert Palacios: Việc giảm số năm tham gia tối thiểu để đủ điều kiện nhận lương hưu, được gọi là quy tắc trao quyền, sẽ giúp nhiều người lao động có cơ hội nhận lương hưu hơn. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho những người lao động có quá trình tham gia BHXH bị gián đoạn, hoặc những người tham gia muộn.

Điều chỉnh thời gian đóng cũng sẽ giúp cho nhiều người có cơ hội nhận lương hưu, nhất là từ khu vực tư nhân. Chẳng hạn, năm 2019 có 11,3 triệu lao động từ khu vực tư nhân tham gia BHXH bắt buộc, nhưng số người hưởng hưu trí từ khu vực này chỉ là 177.000 người.

Hầu hết những người hưởng hưu trí từ Quỹ BHXH là những người từ khu vực công, vì họ đáp ứng quy định thời gian đóng tối thiểu là 20 năm. Do đó, sẽ có nhiều người hưu trí hơn từ khu vực tư nhân với việc giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được nhận lương hưu xuống còn 15 năm như trong đề xuất tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Quy định 15 năm cũng là tương đối phù hợp hơn với kinh nghiệm quốc tế. Các nước OECD thường có xu hướng quy định thời gian đóng BHXH từ 10 -15 năm.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là số tiền chi trả lương hưu cao hơn so với số tiền chi trả trợ cấp một lần, do đó, việc giảm số năm đóng đồng nghĩa với việc mức chi từ Quỹ BHXH sẽ nhiều hơn. Vì mức lương hưu từ trong chế độ BHXH cũng được tính trên cơ sở theo số năm đóng góp (vì đây là chế độ phúc lợi xác định), nên một người có 15 năm công tác khi nghỉ về hưu sẽ được hưởng mức lương hưu thấp hơn so với những người có 20 năm công tác.

Cần lưu ý rằng, 15 năm là số năm đóng góp tối thiểu. Cần tăng cường công tác truyền thông để khuyến khích người tham gia tiếp tục đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm xã hội giúp cho nhiều người có cơ hội nhận lương hưu.
Điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm xã hội giúp cho nhiều người có cơ hội nhận lương hưu.

PV: Có ý kiến cho rằng, nếu giảm năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu thì cũng phải giảm tuổi hưu. Luật nên quy định số năm đóng bao nhiêu thì cho mức hưởng tương ứng, không nên quy định tuổi hưu, như vậy sẽ hạn chế lượng người rút BHXH một lần. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Ông Robert Palacios: Theo quan điểm của chúng tôi, mặc dù việc giảm số năm đóng tối thiểu sẽ giúp việc nhận lương hưu dễ dàng hơn, nhưng cần lưu ý rằng các tính toán phải dựa trên cơ sở tính bền vững về tài chính của quỹ, nhất là trong bối cảnh tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng. Quyết định của Chính phủ về việc tăng tuổi hưu đối với phụ nữ và nam giới lên 60 và 62 tuổi là một biện pháp quan trọng giúp đạt được sự bền vững tài chính của quỹ.

Đối với các đề xuất nhằm giảm tình trạng nhận BHXH một lần, vì không có quốc gia nào có quy định tương tự, nên không có nhiều kinh nghiệm để Việt Nam có thể học hỏi. Ở Việt Nam, hầu hết những người nhận BHXH một lần là phụ nữ trẻ mới lập gia đình và những người đang đối mặt với tình trạng mất việc làm với triển vọng tìm việc thấp.

Chúng tôi cho rằng, để việc giải quyết những vấn đề đó hiệu quả, cần áp dụng thêm các giải pháp khác, bao gồm trợ cấp thai sản đang được đề xuất trong dự thảo và các giải pháp hỗ trợ tìm việc làm nguồn hỗ trợ khác có thể hữu ích. Tuy nhiên, việc cho phép nhận BHXH một lần hiện tại tiếp tục đe dọa tương lai của người lao động khi họ có thể không được nhận lương hưu khi về già.

Về ý kiến trên, giả dụ, chúng ta đưa ra một chương trình cho phép người dân được hưởng lương nghỉ hưu với 25 năm đóng góp, hoặc khi đến tuổi nghỉ hưu. Một thiết kế như vậy sẽ dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng và làm cho chương trình trở nên méo mó. Theo chương trình này, một người nam giới bắt đầu đóng BHXH năm 25 tuổi có thể nghỉ hưu sớm nhất là ở độ tuổi 50.

Tại Việt Nam, tuổi thọ bình quân của nam giới là 77,4 năm đồng nghĩa với việc khi nghỉ hưu lúc 50 tuổi, người này sẽ nhận lương hưu trong 27,4 năm. Như vậy, Quỹ BHXH sẽ trả lương hưu cho cá nhân người này lâu hơn tổng số khoảng thời gian người đó họ đã đóng góp, lâu hơn nhiều so với một người bắt đầu đóng ở tuổi 30 và có cùng mức đóng góp, số năm đóng góp. Điều này có thể rất tốn kém cho chương trình trừ khi các yếu tố nghỉ hưu sớm công bằng được đưa vào công thức tính lương hưu và điều chỉnh thường xuyên.

Hầu hết các quốc gia OECD đã đưa ra quy định giảm mức lương hưu tương đối khi nghỉ hưu sớm, song mức giảm cần phải được điều chỉnh kịp thời để đảm bảo tính bền vững của quỹ và công bằng với những người nghỉ hưu muộn.

PV: Từ kinh nghiệm của các nước thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên thế giới, ông có khuyến nghị gì cho chính sách BHXH bắt buộc, để nâng cao diện bao phủ BHXH, hướng tới BHXH toàn dân?

Hiểu đầy đủ khái niệm về độ bao phủ bảo hiểm xã hội

Theo ông Robert Palacios, cần hiểu đầy đủ khái niệm về độ bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH). Mức độ bao phủ ở đây không chỉ là bao phủ về việc tham gia đóng góp BHXH mà còn là bao phủ với người hưởng lương hưu. Tính toàn diện của chương trình BHXH cũng rất quan trọng - nếu người dân sử dụng hệ thống lương hưu để đáp ứng các nhu cầu ngắn hạn (như đã thấy từ tình trạng lao động mất việc làm rút BHXH một lần ồ ạt như vừa qua), thì việc tăng độ bao phủ của những người hưởng lương hưu sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Ông Robert Palacios: Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi chưa thấy quốc gia nào có cùng mức thu nhập như Việt Nam đạt được mức độ bao phủ cao (tỷ lệ người lao động trong độ tuổi tham gia BHXH) nếu chỉ tập trung vào chương trình BHXH bắt buộc. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, các biện pháp nhằm tăng tính tuân thủ cũng chỉ đạt được kết quả khiêm tốn trong khi tính phi chính thức là vấn đề toàn cầu và vượt ra ngoài chương trình BHXH bắt buộc.

Một số ít quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình đạt được tỷ lệ bao phủ cao (Trung Quốc, Colombia, Hàn Quốc) đã làm được như vậy thông qua các chương trình BHXH tự nguyện, được trợ cấp cao từ ngân sách nhà nước vì họ nhận thức rất rõ những thách thức mà người lao động trong khu vực phi chính thức phải đối mặt. Chiến lược này đã được áp dụng khi thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân ở các nước châu Á trong đó có Việt Nam.

Mở rộng diện bao phủ của chương trình BHXH bắt buộc và tự nguyện là quan trọng, nhưng sẽ không mang lại mức lương hưu thỏa đáng cho tất cả mọi người. Đầu tiên, những người đã già hoặc sắp già không có đủ thời gian tham gia đóng góp để hưởng lương hưu khi về già.

Thứ hai, sẽ luôn có những khoảng trống về độ bao phủ BHXH chừng nào vẫn còn những hộ gia đình không đủ khả năng đóng góp, vì ngân sách hộ gia đình chỉ đủ chi trả cho các khoản đầu tư cho sức khỏe hoặc giáo dục. Trong những trường hợp này, trợ giúp xã hội và trong trường hợp của Việt Nam là lương hưu xã hội sẽ phải được mở rộng và lồng ghép với cơ chế đóng BHXH theo cách khuyến khích những người có khả năng có thể tham gia tiết kiệm được.

Chúng tôi vui mừng nhận thấy rằng, dự thảo Luật BHXH sửa đổi hiện tại áp dụng cách tiếp cận theo cả hai hướng này và sẽ mở rộng diện bao phủ của cả chương trình BHXH bắt buộc và tự nguyện. Chúng tôi cũng đã phân tích chi phí của những đề xuất cải cách này và thấy rằng nó khả thi.

Báo cáo gần đây của Ngân hàng thế giới về chi tiêu công của Việt Nam đưa ra các khuyến nghị cụ thể, có thể sử dụng ngân sách công để thực hiện các cải cách trong chương trình BHXH, có thể tài trợ cho những cải cách mà không làm tăng thêm gánh nặng tài chính tổng thể.

PV: Xin cảm ơn ông!