Chiều 28/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT.
Tạo động lực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn tới
Đánh giá về việc Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đến hết năm 2026, các đại biểu đều cho rằng đây là chính sách cần thiết để kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng.
![]() |
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) |
Theo đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình), khác với các sắc thuế khác, thuế GTGT tác động tới cả đầu vào lẫn đầu ra của hoạt động kinh tế, nên việc giảm thuế sẽ tác động ngay và luôn tới toàn xã hội. Việc giảm thuế lần này càng đặc biệt có ý nghĩa, bởi thời gian tới sẽ tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tổ chức sắp xếp chính quyền 2 cấp. Ban chấp hành khóa mới cũng sẽ chính là người tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2025-2030.
“Việc giảm thuế GTGT như một liều thuốc kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh, là sự động viên của Đảng và Nhà nước với người dân và doanh nghiệp khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, tiến tới hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030”, đại biểu Trần Khánh Thu nhận xét. |
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, riêng việc giảm thuế GTGT lần này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng trên 121.000 tỷ đồng. Trong đó, 6 tháng cuối năm 2025 sẽ giảm trên 39.540 tỷ đồng đã được cân đối trong dự toán thu và năm 2026 sẽ giảm thêm trên 82.000 tỷ đồng. Mặc dù việc thực hiện giảm thuế từ năm 2022 tác động làm giảm nguồn thu, nhưng NSNN thu năm sau tăng hơn năm trước và đều thu vượt dự toán nhờ việc giảm thuế đã hỗ trợ được sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế trong 3 năm qua.
Đại biểu cũng đánh giá cao việc lần này Chính phủ đã đề xuất mở rộng đối tượng được giảm thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ so với chính sách giảm thuế GTGT hiện đang áp dụng như bổ sung phạm vi áp dụng đối với sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, sản phẩm kim loại đúc sẵn… Đặc biệt là mặt hàng xăng dầu cũng được mở rộng đối tượng giảm thuế trong đợt này.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc việc giảm thuế GTGT cho hoạt động tín dụng để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình tại phiên họp. |
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cũng đồng tình với đánh giá của đại biểu Khánh Thu cũng như các đề xuất của Chính phủ tại dự thảo. Về thời gian giảm thuế, đại biểu cho rằng giảm đến 31/12/2026 là phù hợp để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh rõ ràng, từ đó khai thác hiệu quả chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, đại biểu lưu ý về việc xác định rõ trách nhiệm trong thu và hoàn thuế GTGT, đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp và nhà nước.
Về việc triển khai chính sách, đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cần công khai rõ ràng danh mục hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế theo mã HS để các doanh nghiệp dễ tra cứu, áp dụng chính xác, đồng thời giúp cơ quan thuế dễ kiểm tra, giám sát. Đại biểu cũng nhấn mạnh việc cần đảm bảo chính sách giảm thuế thực sự đến tay người tiêu dùng không.
Giảm thuế kéo dài cho doanh nghiệp còn nhiều khó khăn
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc giảm thuế GTGT đương nhiên có tác động đến giảm thu ngân sách nhưng đổi lại có tác động tích cực cho kích thích sản xuất và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, đồng thời thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình tại phiên họp. |
Vừa qua, Chính phủ và Bộ Tài chính đã đưa ra các giải pháp để cố gắng có các chính sách tài khóa phù hợp, từ đó bù đắp cho khoản miễn giảm thuế này, “Chính sách thuế này không phải là lần đầu tiên chúng ta làm, chúng ta đã làm trong nhiều kỳ và đều đem lại những kết quả tích cực”, Bộ trưởng nêu rõ.
Một trong các điểm mới của lần giảm thuế này là việc giảm thuế kéo dài 1,5 năm, so với mỗi 6 tháng như trước. Theo Bộ trưởng, Chính phủ qua cân nhắc thấy rằng phải kéo dài đến hết năm 2026 do doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn. Sau đó, trước khi kết thúc thời kỳ miễn, giảm thuế, Chính phủ sẽ tính toán xem có cần thiết kéo dài chính sách này thêm không.
Về đề xuất giảm thuế cho hoạt động tín dụng của đại biểu Trần Khánh Thu, Bộ trưởng cho hay đây là loại dịch vụ không phải nộp thuế GTGT, do đó không phải giảm thuế.
Có ý kiến đại biểu đề nghị kéo dài thêm thời gian giảm thuế, Bộ trưởng giải trình cho biết khoản ngân sách giảm thuế mỗi một năm tương đối lớn, nếu áp dụng kéo dài tác động sẽ khác. Chính sách này là nhằm hỗ trợ trong lúc khó khăn, còn lúc bình thường vẫn phải thu thuế để đảm bảo nguồn thu ngân sách.
Ghi nhận ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Thân về việc hoàn thuế, Bộ trưởng làm rõ quản lý thuế chia ra hai trường hợp. Một là, có những trường hợp thuộc đối tượng hoàn thuế trước. Các cơ quan thuế, hải quan khi thực hiện hoàn thuế sẽ làm rất nhanh. Hai là, trường hợp hoàn thuế sau. Sau khi kiểm tra chứng từ theo quy định của Luật Quản lý thuế, tối đa là 40 ngày các cơ quan phải có nghĩa vụ hoàn thuế cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đúng như đại biểu nói, cũng có những trường hợp thời gian dài hơn. Vấn đề này cơ quan quản lý sẽ có chấn chỉnh trong tổ chức thực hiện để hoàn thuế trong thời gian sớm nhất có thể cho các doanh nghiệp, Bộ trưởng khẳng định.
Liên quan đến danh mục giảm thuế mà đại biểu Dương Tấn Quân đề xuất, Bộ trưởng cho hay việc này chỉ vướng mắc ở giai đoạn giảm thuế đầu tiên. Còn hiện nay, danh mục nào, hàng hóa nào được miễn, giảm đang được triển khai, không có vướng mắc.