Giữ gìn và phát huy những làn điệu Dân ca Ví Giặm

Đại diện Ban lãnh đạo Hội đồng hương Nghệ An, Hội đồng hương TP. Vinh, Hội đồng hương Nam Đàn tại Hà Nội trao hoa cho chủ nhiệm Câu lạc bộ và các nghệ sỹ

Di sản Văn hoá từ lâu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng: “Di sản là vốn quý, là bệ đỡ cho một đất nước”. Người cũng giành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Vì vậy, ngày 23/11/1945, chỉ sau hơn 2 tháng nước nhà giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện”, đây là Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về Bảo tồn Di sản văn hoá dân tộc. Đến nay, sau 78 năm ra đời Sắc lệnh vẫn giữ nguyên những tư tưởng cơ bản và sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hoá, ý nghĩa lí luận và thực tiễn trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá của đất nước

Ngày 24/2/2005, trước yêu cầu tình hình và nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ đổi mới, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số: 36/2005/QĐ-TTg về việc hằng năm lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam”. Đây cũng là dịp để mọi người cùng nhau tôn vinh những giá trị Di sản Văn hoá Việt Nam, từ đó cổ vũ, bồi đắp thêm tình yêu, ý thức và trách nhiệm đối với quê hương đất nước.

Xứ Nghệ được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Theo dòng chảy của thời gian, người dân nơi đây đã sáng tạo và lưu giữ được một nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng với nhiều thể loại đặc sắc, trong đó có Dân ca Ví, Giặm. Đây là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xứ Nghệ.

Giữ gìn và phát huy những làn điệu Dân ca Ví Giặm

Ông Hoàng Xuân Lương - Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Hoàng Xuân Lương - Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội cho biết, ngày nay, việc gìn giữ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá không chỉ là trách nhiệm của những người làm công tác di sản mà còn được toàn xã hội quan tâm, các hình thức truyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng hiểu và chung tay góp sức được đổi mới đa dạng, phù hợp với công chúng ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, khơi dậy lòng tự hào đối với những truyền thống văn hoá tốt đẹp, tạo sự lan toả và tham gia tích cực của các chủ thể văn hoá ở mỗi địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế văn hoá xã hội của đất nước.

Yêu Dân ca Ví Giặm là cội nguồn của tình yêu đối với quê hương đất nước. Giữ gìn và phát huy những làn điệu Dân ca Ví Giặm cũng là giữ gìn và phát huy cốt cách của người dân xứ Nghệ, của dân tộc Việt Nam.

“Yêu Dân ca Ví Giặm là cội nguồn của tình yêu đối với quê hương đất nước. Giữ gìn và phát huy những làn điệu Dân ca Ví Giặm cũng là giữ gìn và phát huy cốt cách của người dân xứ Nghệ, của dân tộc Việt Nam. Trong giờ phút xúc động này, chúng ta hãy cùng nhau nâng niu, gìn giữ và phát huy giá trị của những làn điệu Dân ca Ví Giặm - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, để những mạch nguồn thanh trong, ấm nồng hơi thở nguồn cội sẽ nuôi dưỡng và nâng cánh cho mỗi tâm hồn, tạo thêm niềm tin yêu và động lực cho mỗi người góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh” - ông Lương chia sẻ.

­Cũng tại buổi lễ, ông Hoàng Xuân Lương đánh giá cao sự ra đời và nhanh chóng khẳng định được vị thế quan trọng hơn 9 năm qua của CLB Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội. Những buổi biểu diễn Dân ca Ví, Giặm nhân các ngày lễ tết, hay những buổi sinh hoạt thường xuyên của CLB vào tối thứ 7 hàng tuần, đặc biệt là các sự kiện giao lưu dân ca Ví, Giặm 3 miền Bắc - Trung - Nam đã thực sự ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người hâm mộ.

Nguyên Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội bày tỏ mong muốn Dân ca Ví, Giặm sẽ được đưa vào nhà trường nhiều hơn nữa để các thế hệ trẻ có thể bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ.

Giữ gìn và phát huy những làn điệu Dân ca Ví Giặm
Ông Nguyễn Sinh Tuấn - Nguyên Tổng giám đốc, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt Việt Nam đại diện dòng họ Nguyễn Sinh tặng hoa chúc mừng.

Tại Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Sinh Tuấn - Nguyên Tổng giám đốc Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt Việt Nam, đại diện dòng họ Nguyễn Sinh cũng nhấn mạnh: “Có lẽ chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta đều không thể quên được giây phút, trước lúc Bác Hồ ra đi đã muốn nghe một làn điệu Ví giặm. Có lẽ vì thế mà câu Ví Giặm, câu hát dân ca xứ Nghệ đã bao bọc và nuôi dưỡng tâm hồn Người từ thuở lọt lòng. Người lớn lên và đi ra thế giới từ chiếc nôi văn hóa quê hương mặn mòi tình nghĩa ấy, thấm thoát, thời gian đã trôi qua 9 năm, kể từ khi Dân ca Ví giặm được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, và cũng tròn 9 năm CLB Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh tại Hà nội được ra đời. Ở đâu có người xứ Nghệ là ở đó có Dân ca Ví, Giặm; ở đâu có Dân ca Ví, Giặm là ở đó có văn hóa Nghệ Tĩnh… Và thực sự chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi khi văn hóa xứ Nghệ, hồn cốt của văn hóa xứ Nghệ, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ngày càng được lan tỏa. Sự lan tỏa đặc biệt này là sự đóng góp vô cùng lớn lao của của biết bao nhiêu người…”.

Giữ gìn và phát huy những làn điệu Dân ca Ví Giặm

Bà Nguyễn Thị Thành - Chủ nhiệm CLB Dân ca Ví, Giặm tại Hà Nội phát biểu tại buổi lễ.

Bà Nguyễn Thị Thành - Chủ nhiệm CLB Dân ca Ví, Giặm ở Hà Nội vui mừng chia sẻ: “Gần 9 năm hoạt động, CLB ngày càng thu hút nhiều hội viên tham gia. Cùng chung tình yêu đối với những làn điệu dân ca, đối với xứ Nghệ yêu dấu, các thành viên đã say sưa sáng tạo, biểu diễn và mang nét độc đáo của loại hình nghệ thuật dân gian tỏa sáng trong đời sống tinh thần của người dân Hà Nội, cũng như người dân trên mọi miền của Tổ quốc. Mặc dù còn nhiều khó khăn vất vả nhưng CLB vẫn rất cố gắng duy trì hoạt động để mang quốc hồn của văn hóa xứ Nghệ đến với nhiều người, đặc biệt có những buổi biểu diễn đã thu hút hàng nghìn người tham dự”.

Có được những thành quả quan trọng bước đầu ấy, ngoài sự nỗ lực của Ban Chủ nhiệm và các thành viên CLB, còn là sự giúp đỡ, động viên kịp thời của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, Ban Liên lạc Hội đồng hương tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tại Hà Nội, các nhạc sỹ, nghệ sỹ, ca sỹ, những nhà hảo tâm... Ban chủ nhiệm mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, động viên, khích lệ của các tổ chức, các cá nhân để CLB không ngừng lan toả và phát triển trong thời gian tới.

Ra đời vào dịp kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/2014), CLB Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội đã ghi được nhiều dấu ấn đậm nét trong lòng người hâm mộ. Chương trình kỷ niệm 18 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam và 9 năm UNESCO vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là văn hóa phi vật thể của nhân loại được tổ chức lần này với mong muốn các tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước cùng nhau nâng niu, gìn giữ và phát huy giá trị của những làn điệu Dân ca Ví Giặm.

Đây thực sự là mạch nguồn thanh trong, ấm nồng hơi thở cuộc sống để nuôi dưỡng và nâng cánh cho mỗi tâm hồn, tạo thêm niềm tin yêu và động lực để mỗi người tự hào về nguồn cội, tích cực góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Gần 9 năm hoạt động, CLB Dân ca Ví, Giặm ngày càng thu hút nhiều hội viên tham gia. Cùng chung tình yêu đối với những làn điệu dân ca, đối với xứ Nghệ yêu dấu, các thành viên đã say sưa sáng tạo, biểu diễn và mang nét độc đáo của loại hình nghệ thuật dân gian tỏa sáng trong đời sống tinh thần của người dân Hà Nội, cũng như người dân trên mọi miền của Tổ quốc.