Trình Quốc hội gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế khoảng 347 nghìn tỷ đồng
Chương trình phục hồi kinh tế không phải gói đầu tư công mở rộng
Chính sách tài khoá hỗ trợ kinh tế xã hội theo tình hình kiểm soát dịch bệnh

Là thử thách đòi hỏi trí tuệ và sự quyết tâm

Cho ý kiến về dự thảo nghị quyết, hầu hết các ý kiến đại biểu (ĐB) Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết một gói hỗ trợ, coi đây là đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, gói hỗ trợ phải quan tâm đến hiệu quả và cam kết sản phẩm đầu ra.

“Mục tiêu của gói phục hồi lần này hướng đến là chấp nhận bội chi và chấp nhận đi vay, để sau một thời gian nhất định thu được chi phí lớn hơn. Vì vậy, vấn đề cốt lõi, vấn đề hiệu quả của dự án chính là phải trả lời được câu hỏi, với trên 346 nghìn tỷ đồng đạt kết quả cụ thể gì và với mục tiêu như vậy, đề án cần quy định rất rõ hiệu quả đầu ra.

Tuy nhiên, đối chiếu với nội dung nghị quyết, nội dung này chưa được cụ thể hóa. Dù trong dự thảo nghị quyết quy định 3 mục tiêu là: Tăng trưởng GDP từ 6,5-7% và phục hồi sản xuất kinh doanh; đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng với các mục tiêu khái quát như vậy, nếu không có cam kết kết quả đạt được thì khó có thể có thước đo chính xác cho hiệu quả sau này. Vì thế, cần đưa ra các cam kết cụ thể, có thể là sản phẩm hữu hình, kết quả vô hình, nhưng phải tính toán được.

Gói hỗ trợ kinh tế: Chấp nhận bội chi, đi vay nên phải tính toán kỹ hiệu quả
ĐB Vũ Thị Lưu Mai: Chúng ta chấp nhận bội chi, đi vay nên phải tính toán kỹ hiệu quả. Ảnh: TL

Về căn cứ và tiêu chí đầu tư nguồn lực, căn cứ Luật Đầu tư công và các nghị quyết về phân bổ ngân sách, một trong những quy tắc quan trọng đó là nguồn lực được phân bổ phải được xác định trên các nguyên tắc, tiêu chí và điều kiện ràng buộc. Lần này chúng ta phân bổ hơn 346 nghìn tỷ đồng, có mục tiêu phân bổ trực tiếp, có mục tiêu qua các công cụ khác như thuế, hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, dù trực tiếp hay gián tiếp thì phải có nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách.

Về danh mục dự án, có ý kiến cho rằng cần bao quát mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhưng ĐB Vũ Thị Lưu Mai lại đề nghị, cần đưa vào 2 lĩnh vực cụ thể, đó là ngành nghề bị tác động mạnh nhất và ngành nghề có ý nghĩa cụ thể tăng trưởng quan trọng nhất.

“Chúng ta không chấp nhận bội chi, không chấp nhận đi vay để đầu tư cho các mục tiêu chưa thực sự cấp bách”, nữ ĐB nói.

Theo ĐB, cần bổ sung một số quy định về: Đối tượng áp dụng; thời hạn hoàn thành; quy định về trách nhiệm; thẩm quyền; lộ trình thanh toán nợ gốc; cam kết sản phẩm đầu ra gắn với nội dung nghị quyết.

“Đề án là chủ trương hoàn toàn đúng đắn nhưng đây cũng là công việc hết sức khó khăn, là thử thách đòi hỏi trí tuệ và sự quyết tâm. Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cần có những bước đi thực sự vững chắc, không chịu tác động bởi một xu thế quốc tế nào, bởi mỗi quốc gia có con đường riêng và cách đi khác nhau, không chịu áp lực bởi mục tiêu tăng trưởng hoặc mục tiêu thành tích. Cái cốt lõi là thực chất và hiệu quả”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai thẳng thắn nói.

Ưu tiên hỗ trợ người lao động

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Chính phủ đã chủ động, khẩn trương và cầu thị trong quá trình xây dựng chính sách tài khóa tiền tệ.

Nữ ĐB quan tâm đến người lao động và thị trường lao động. Theo ĐB, cuộc suy thoái kinh tế lần này đã để lại hậu quả nặng nề về thị trường lao động và người lao động. Tình trạng mất việc, giãn, giảm việc làm rất rõ.

“Trong quý 3, cả nước có hơn 28 triệu người lao động phải hứng chịu tác động của đại dịch. Trong đó hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm, hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ sản xuất kinh doanh, hơn 10 triệu người phải giãn, giảm giờ làm việc. Biến thể Delta đã cuốn đi khoảng ¼ mức lương bình quân tháng của người lao động vùng Đông Nam Bộ. Đồng lương của người lao động vốn không dư dả thì nay vì dịch bệnh càng trở nên khó khăn hơn”, ĐB Nguyễn Thị Thủy nêu các con số.

ĐB cho biết thêm, qua khảo sát 43 nghìn lao động mất việc, gần 50% trong số này có nguồn tích lũy chỉ đủ duy trì cuộc sống trong 1 tháng, 37% chỉ đủ duy trì cuộc sống cho 3 tháng và chỉ có hơn 4% đủ duy trì cuộc sống cho trên 4 tháng.

ĐB cũng nêu nghịch lý hiện nay là thị trường lao động, nơi cần người lao động thì không có, nơi có thì không cần. ĐB kiến nghị tăng gói hỗ trợ cho người lao động, cả chính thức và phi chính thức; hỗ trợ tiền xây nhà ở cho công nhân; hỗ trợ xét nghiệm, đi lại, tư vấn cho người lao động khi trở lại làm việc.

Một số ý kiến thống nhất điều chỉnh một số chỉ tiêu để thực hiện gói hỗ trợ theo như đề xuất của Chính phủ, nhưng cần rà soát kỹ các đối tượng, đảm bảo khả năng trả nợ trong tương lai.

Có ý kiến cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp là trọng tâm ưu tiên, nhưng phải tính toán cẩn trọng, cần hỗ trợ phù hợp, tính toán sức hấp thụ đến đâu, cần cung cấp cho doanh nghiệp cho hướng đi và cách đi, “trao cần câu hơn cho con cá”. Do đó, chính sách tài khóa cần đẩy mạnh đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phải theo xu thế phát triển với những dự án có tính lan tỏa cao.

Cũng có ý kiến đề nghị cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát và cho vay chặt chẽ, tránh việc doanh nghiệp móc nối với ngân hàng, vay vốn xong gửi lại ngân hàng lấy lãi.

Về giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10%, có ý kiến đề nghị nên cân nhắc giảm thuế 1% nhưng thực hiện trong 2 năm, tránh ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách./.