Hà Nội: Quản lý quỹ nhà chuyên dùng còn nhiều bất cập, lãng phí
Các đại biểu chất vất về những bất cập, hạn chế trong công tác khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố. Ảnh: Phúc Nguyên

Chưa có định mức, chi phí quản lý, vận hành, bảo trì nhà chuyên dùng

Theo báo cáo bằng hình ảnh của Thường trực HĐND TP.Hà Nội tại phiên chất vấn, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đang quản lý 803 địa điểm nhà chuyên dùng, nhưng việc theo dõi, ghi sổ địa điểm nhà, đất đã ký hợp đồng thuê nhà, địa điểm chưa ký hợp đồng không đầy đủ, không cập nhật kịp thời biến động.

Sau kỳ họp này, UBND TP.Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện ngay việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất đối với các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP; Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Kiên quyết thu hồi để xử lý theo quy định các diện tích nhà, đất không sử dụng, sử dụng không đúng quy định; phân loại, xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm thực hiện nghĩa vụ tài chính kéo dài.

Tuy nhiên, trong tổng 803 nhà chuyên dùng được rà soát, tổng hợp có tới 357 địa điểm đã được nhận diện vi phạm liên quan công tác quản lý, sử dụng chưa đúng mục đích, xây dựng không phép, sai phép…

Tại kỳ họp, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, công tác xây dựng định mức chi phí quản lý, sửa chữa bảo trì các nhà chuyên dùng được thực hiện theo định mức Bộ Xây dựng ban hành.

Riêng về xây dựng định mức chi phí quản lý vận hành, Sở Xây dựng đã ký hợp đồng với Viện Kinh tế của Bộ Xây dựng, tuy nhiên, chi phí này cũng rất đa dạng. Hiện Bộ Xây dựng đang triển khai xây dựng định mức này.

Liên quan đến 357 trường hợp nhà chuyên dùng có vi phạm, ông Võ Nguyên Phong cho biết, năm 2019, có 801 điểm có hợp đồng và thực hiện quản lý thu tiền thuê theo đúng quy định; có 468 điểm vi phạm. Đến nay, số các công trình có vi phạm còn 357 điểm; số các địa điểm được thu tiền là 376 điểm; tức là số công trình được đưa vào quản lý đã nhiều hơn.

Đây là tác dụng của thành phố thực hiện thanh kiểm tra và xử lý vi phạm ở Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. Để triển khai khắc phục những tồn tại hạn chế ở 357 điểm này, sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện để xử lý đúng theo quy định.

Hà Nội: Quản lý quỹ nhà chuyên dùng còn nhiều bất cập, lãng phí
Ngày 7/7, kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố Hà Nội đã thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn. nhiều vấn đề quan trọng. Ảnh: Nguyên Phương

Lập hồ sơ dữ liệu nhà chuyên dùng và phân định từng loại vi phạm để có chế tài phù hợp

Để giải quyết triệt để, theo Giám đốc Sở Xây dựng, phải rà soát tổng thể toàn bộ quỹ nhà đối với 801 địa điểm này để lập hồ sơ dữ liệu nhà chuyên dùng và phân định từng loại vi phạm để có chế tài phù hợp. Đồng thời, xem xét lại sự bất cập của mô hình quản lý của công ty, từ đó phải xác định lại mô hình của công ty trong việc thực hiện đầu tư công, giao tài sản công cho các công ty quản lý… Bên cạnh đó, phải thực hiện rà soát có lộ trình và xây dựng cơ sở dữ liệu.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hà Minh Hải, trải qua 2 thời kỳ chính sách, Luật Quản lý tài sản nhà nước 2008, Luật Quản lý tài sản công 2017. Mức độ bao phủ luật quản lý tài sản công rộng khắp, có nhiều nội dung vướng mắc trong khi triển khai, nên khi có chính sách năm 2017 cơ bản quy định pháp luật đã được ban hành đầy đủ.

Ngoài luật, Chính phủ ban hành thêm các nghị định, trong đó quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị; phân công, phân nhiệm từng đơn vị… Các cơ quan tham mưu, tổng hợp đã giúp UBND các cấp thực hiện quyền hạn quản lý tài sản công. Nội dung quy định pháp luật quy định cụ thể, từ năm 2008 đến nay, UBND TP.Hà Nội căn cứ thẩm quyền, Sở Xây dựng, Tài chính đã tham mưu, ban hành đầy đủ chính sách… UBND TP.Hà Nội sẽ giao cho các đơn vị xây dựng, thành lập ban Chỉ đạo chung, xử lý các nội dung tồn tại, vướng mắc về quản lý tài sản công.

Theo Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, về vấn đề công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố, thời gian qua HĐND thành phố đã tổ chức đoàn giám sát. Qua giám sát cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác quản lý quỹ nhà chuyên dùng, nhà tái định cư, nhà ở xã hội đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và công tác quản lý quỹ đất 20-25% của thành phố. Những tồn tại, hạn chế, bất cập này cần được HĐND thành phố chất vấn để xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và lộ trình, giải pháp khắc phục.