Chân dung tỷ phú giàu thứ hai tại Nhật Bản: Masayoshi Son. Cuộc cạnh tranh giá giữa Son và tỷ phú Hiroshi Mikitani đang khiến cổ phiếu công ty của cả hai mất giá trị. - Ảnh: www.bloomberg.com

Kết cục không mấy hay ho này bắt nguồn từ cuộc so găng giữa tỷ phú giàu thứ hai Nhật Bản và đồng thời là chủ tịch tập đoàn Yahoo Nhật Bản, Masayoshi Son, với Hiroshi Mikitani, ông chủ của Rakuten, tập đoàn bán hàng qua mạng lớn nhất đất nước Mặt Trời Mọc.

Son đã quyết định cắt bỏ phí mua bán qua mạng cho các cửa hàng kinh doanh trực tuyến. Động thái này là một cú đánh trực tiếp đối với Hiroshi Mikitani, ông chủ hãng bán hàng trực tuyến lớn nhất Nhật Bản Rakuten.

Phát ngôn viên của Rakuten cho biết công ty này không có ý định thay đổi mô hình kinh doanh tính phí của mình.

Các nhà đầu tư cho rằng thu nhập của cả hai công ty sẽ bị ảnh hưởng sau bước đi này. Cổ phiếu Rakuten giảm mạnh 12% trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo phiên hôm qua, trong khi Yahoo Nhật Bản đã mất 6,5%. Đây là mức giảm lớn nhất của Yahoo Nhật Bản kể từ năm 2011, của Rakuten từ năm 2006.

Với đà giảm của phiên hôm qua, giá trị tài sản của Mikitani sụt từ 8 tỷ USD xuống còn 7,1 tỷ USD. Giá trị tài sản cổ phiếu của Son giảm từ 14,3 tỷ còn 14 tỷ USD.

Một chuyên gia của Eurotechnology cho rằng Son có phần nhỉnh hơn trong cuộc chiến này.

Rakuten đang bị chèn ép bởi cả Amazon và Yahoo Nhật Bản. Vị chuyên gia ca ngợi Son và Jeff Bezos (CEO của Amazon) là những “doanh nhân sáng giá nhất hành tinh”.

Nhưng trong khi đó, Mikitani coi Amazon mới là đối thủ của mình. Thậm chí, công ty của anh còn cho in đồng phục có dòng chữ “Beat Amazon” (Đánh bại Amazon).

Rakuten chiếm khoảng 29% thị phần thương mại điện tử trị giá 41 tỷ USD của Nhật Bản.

Phí mua bán qua mạng của công ty đóng góp 10% doanh thu hàng năm. Trong khi đó, thị phần của Yahoo Nhật Bản chỉ là 6% và đang có dấu hiệu giảm dần.

Ngoài đợt cắt bỏ phí lần này, Son đã từng đánh bật nhiều đối thủ khác trong ngành viễn thông bằng cách giảm phí dịch vụ của tập đoàn SoftBank cùng do ông sở hữu.

Đây là một thay đổi khá táo bạo, điểm cộng của nó là sự thuận tiện cho khách hàng, nhưng điểm trừ là những ảnh hưởng đến doanh thu.

(Theo Bloomberg, nikkei.com)

Ngọc Nguyễn