trang 7

Việt Nam còn tồn tại khá phổ biến tình trạng nghỉ hưu sớm.

Tỷ lệ nghỉ hưu đúng tuổi chỉ chiếm khoảng 40,5%

Tuổi nghỉ hưu của Việt Nam hiện nay được quy định là 60 đối với nam và 55 đối với nữ. Độ tuổi nghỉ hưu này đã được duy trì từ rất lâu (từ 1960), đến nay độ tuổi này vẫn chưa thay đổi. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam thì thực tế tuổi hưu ở nước ta thấp hơn nhiều so với quy định, tuổi nghỉ hưu (trung bình nam là 55,61 tuổi, nữ là 52,56 tuổi). Tỷ lệ nghỉ hưu đúng tuổi chỉ chiếm khoảng 40,5%.

Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, nguyên nhân của tình trạng tuổi nghỉ hưu thấp là do Luật BHXH hiện quy định tỷ lệ giảm trừ cho mỗi năm trước nghỉ hưu dù đã được điều chỉnh tăng lên 2% nhưng vẫn chưa hạn chế được số người nghỉ hưu trước tuổi. Ngoài ra, quy định giảm tuổi nghỉ hưu trong chính sách tinh giản biên chế, giải quyết đối với lao động dôi dư... và các nhóm đối tượng khác trong Luật BHXH cũng chưa thực sự hợp lý làm cho tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế thấp hơn nhiều so với quy định (đối tượng này thường giảm từ 1-5 tuổi).

Theo nguyên tắc thống kê bảo hiểm - nguyên tắc cân đối đóng - hưởng thì khi người lao động về hưu sớm 1 năm, sẽ dẫn tới 2 hệ quả: Một là người lao động sẽ dừng đóng BHXH sớm 1 năm và sẽ được hưởng lương hưu sớm 1 năm. Bên cạnh đó, mỗi năm có khoảng 500.000 người ra khỏi quan hệ bảo hiểm (hưởng BHXH 1 lần khi chưa hết tuổi lao động). Như vậy, tuổi nghỉ hưu sớm dẫn đến thời gian đóng BHXH ngắn, thời gian hưởng lương hưu lại dài, khiến nguy cơ mất cân đối và cạn kiệt Quỹ Hưu trí ngày càng cao.

Theo bà Nguyễn Nguyệt Nga - chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, những thiết kế của chính sách BHXH hiện tại đang “khuyến khích” người lao động về hưu sớm. Việc giảm 2% mức lương hưu cho mỗi năm nghỉ hưu sớm như quy định trong Luật BHXH là chưa đủ sức ngăn chặn tình trạng nghỉ hưu sớm, ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn của Quỹ Hưu trí. Một nguyên nhân khác là những tiêu chí và cách thức xét cho nghỉ hưu sớm ở Việt Nam còn khá dễ dàng và thực hiện còn lỏng lẻo. Ví dụ như việc giám định sức khỏe của người lao động để làm căn cứ cho việc cho người lao động nghỉ hưu sớm. Trước đây, hầu hết ai cũng có thể tự xin được giấy chứng nhận suy giảm sức khỏe để xin nghỉ hưu sớm. Gần đây, việc thực hiện có chặt chẽ hơn nhưng đó là vấn đề cần xem xét lại một cách nghiêm túc để tránh tình trạng lạm dụng nghỉ hưu sớm.

Tăng mức giảm trừ 5 - 6% cho mỗi năm nghỉ hưu sớm

Bà Nguyễn Nguyệt Nga cho rằng, nếu thiết kế một chính sách phù hợp theo nguyên tắc cân đối đóng - hưởng thì không cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng nghỉ hưu sớm, mà người lao động sẽ tính toán giữa cái được và cái mất để ra một quyết định phù hợp cho bản thân. Nhưng hiện tại, theo đánh giá của WB, chính sách hưu trí của Việt Nam đang được thiết kế quá rộng rãi, không theo nguyên tắc cân đối đóng - hưởng (đóng ít, hưởng nhiều). Tỷ lệ đóng là 22% tiền lương tháng, trong khi tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Tỷ lệ hưởng lương hưu bình quân của nam là 2,5% cho một năm đóng, của nữ là 3% là quá cao so với bình quân các nước trên thế giới (chỉ là 1,7%).

Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng nghỉ hưu sớm, theo bà Nga, trước mắt, cần giảm tỷ lệ phần trăm lương hưu cho mỗi năm nghỉ hưu sớm một cách phù hợp và giám sát chặt chẽ những tiêu chí xét nghỉ hưu sớm. Bà Nga cho biết, theo phân tích, tính toán dựa trên cơ sở dữ liệu của Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế ILO khuyến cáo mức giảm phải là từ 5 - 6%, chứ không phải 2% như hiện tại. Nếu để 2% thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn của Quỹ Hưu trí, đồng thời khuyến khích người lao động về hưu sớm. “Tôi nghĩ với mức phạt giảm từ 5 - 6% tiền lương hưu cho mỗi năm nghỉ hưu sớm thì sẽ đảm bảo nguyên tắc cân bằng đóng - hưởng và chắc chắn người lao động sẽ phải xem xét và cân nhắc kỹ trước khi có ý định nghỉ hưu sớm” - bà Nga nhấn mạnh.

Về tiêu chí xét nghỉ hưu sớm, bà Nguyễn Nguyệt Nga cho rằng, cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện những tiêu chí cho về hưu sớm. Những tiêu chí xét cho việc về hưu sớm đã đề ra thì phải thực hiện thật nghiêm túc, chặt chẽ, đặc biệt là quy định về chứng nhận suy giảm sức khỏe. Nếu người lao động thực sự không có khả năng lao động thì cần xem xét xem thực sự có phải là người lao động đó không đủ năng lực lao động hay không để ra quyết định phù hợp.

Bên canh đó, hiện phương án đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, dự kiến sẽ được Chính phủ trình ra Quốc hội xin ý kiến trong năm 2017.

Theo WB, người lao động Việt Nam về hưu khi còn rất trẻ theo chuẩn quốc tế, kể cả so với các nước đang phát triển. Ở hầu hết các nước, tuổi nghỉ hưu là 65 hoặc đang tăng lên 65 và tuổi nghỉ hưu của nam và nữ là bằng nhau hoặc đang xích lại gần nhau.

H.M