Nhìn lại chặng đường phát triển của HASMEA, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội HASMEA. * Xin ông có thể điểm lại những kết quả mà Hiệp hội đã nỗ lực cho sự phát triển của DN Thủ đô thời gian qua? - Hiệp hội thực sự hoạt động mạnh trong 10 năm trở lại đây, kể từ khi ông Đỗ Quang Hiển chính thức giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội (năm 2007) và cùng với sự nỗ lực của ban lãnh đạo, thành viên Hiệp hội, hoạt động Hiệp hội đã đi vào thực chất và được DN Thủ đô đánh giá cao. Để hỗ trợ DN, thời gian tới, Hiệp hội sẽ tăng cường các hoạt động XTTM, tham gia hội chợ triển lãm tại nước ngoài, tăng cường công tác thông tin và mở rộng thị trường... Ông Mạc Quốc Anh Đáng ghi nhận 5 năm trở lại đây khi kinh tế khó khăn, nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động, một số khác phải gắng sức duy trì sản xuất kinh doanh (SXKD)…, Hiệp hội đã vận động hàng trăm DN trên địa bàn thực hiện nghiêm Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế"... Đặc biệt, phát huy vai trò là thành viên Ban chỉ đạo và tổ công tác tháo gỡ khó khăn thúc đẩy SXKD của Thành phố, Hiệp hội đã đến khảo sát tại hơn 500 DN để nắm bắt khó khăn, từ đó kiến nghị các giải pháp tháo gỡ kịp thời. Hiệp hội đã triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN; tổ chức 25 hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN về vốn, lãi suất, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ... Các Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố, ngân hàng TMCP và tổ chức tín dụng đã giải ngân cho DN vay được gần 2.000 tỷ đồng. Hiệp hội cũng đã mở rộng hợp tác với Phòng Thương mại các nước, thương vụ các nước, đại sứ quán, doanh nhân các nước Uganda, Nam Phi, Angola, LB Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức… bước đầu chắp nối đưa một số đoàn xúc tiến thương mại (XTTM) tới các nước mở rộng giao thương... Hàng năm, Hiệp hội kết nạp thêm gần 100 hội viên mới, hiện số hội viên khoảng 1.600 DN. Hiệp hội phấn đấu nâng số hội viên lên 3.000 DN vào năm 2020. * Vậy trong quá trình hoạt động của mình, Hiệp hội đã gặp khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông? - Từ trước đến nay, nguồn lực hỗ trợ cho công tác Hiệp hội hết sức hạn chế, để đảm bảo tài chính Hiệp hội đều phải tự trang trải bằng cách kêu gọi phí hội viên, các chương trình tài trợ... Trước những khó khăn này, Hiệp hội cũng đã kiến nghị Thành phố dành nguồn quỹ riêng cho các hoạt động của Hiệp hội. Ngoài ra, một khó khăn nữa ảnh hưởng đến hoạt động của Hiệp hội hiện nay là hầu hết các sở, ban ngành đều thành lập ra các trung tâm để làm dịch vụ công, mà bản thân các trung tâm đó cũng có mối liên hệ với DN. Thực tế những việc đó nên để Hiệp hội làm thì sẽ tốt hơn, tức là nên xã hội hóa cho các Hiệp hội tăng nguồn thu; Hiêp hội chưa được tham gia nhiều vào việc xây dựng cơ chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu... * Thời gian tới, nhiều Hiệp định thương mại tự do sẽ được ký kết mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với DN vừa và nhỏ nói chung và DN vừa và nhỏ Thủ đô nói riêng. Vậy Hiệp hội có giải pháp gì để hỗ trợ các DN hội viên, thời gian tới? - Khó khăn của DN vẫn là tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất, nhu cầu thị trường nước ngoài suy giảm, thị trường truyền thống bị thu hẹp, việc tiếp cận các chính sách, chương trình ưu đãi chưa hiệu quả. Đa số các DN vừa và nhỏ chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu do vẫn đang nằm ngoài chuỗi cung ứng… Theo đó, để tăng cường hỗ trợ DN, thời gian tới, Hiệp hội sẽ tăng cường các hoạt động XTTM, tham gia hội chợ triển lãm tại nước ngoài, tăng cường công tác thông tin và mở rộng thị trường. Về vốn vay, muốn vay ngân hàng là phải có tài sản đảm bảo, Hiệp hội sẽ kiến nghị các ngân hàng, quỹ đầu tư phát triển thành phố nới lỏng điều kiện cho vay, chấp thuận phương án kinh doanh khả thi của DN để tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN; tạo điều kiện để DN tham gia vào các chuỗi cung ứng; kiến nghị các chính sách cho phép DN nhập khẩu được giãn thời gian nộp thuế nhập khẩu đối với máy móc thiết bị thuộc dạng đầu tư bổ sung DN ngành công nghiệp hỗ trợ... Hiện nay, các dự án Chính phủ, dự án ODA đều ưu tiên các DN lớn, đề nghị thời gian tới thông tin rộng rãi, công khai, có sự tham gia của DN vừa và nhỏ để họ trở thành các công ty vệ tinh, khai thác hiệu quả các nguồn vốn này. Về phía các DN cũng cần cơ cấu lại sản xuất, đầu tư máy móc trang thiết bị, đổi mới công nghệ, quản trị, nâng cao chất lượng lao động; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ..., để có thể tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mai. * Xin cảm ơn ông!
Hồng Chi ( thực hiện)