trung tam tai chinh

Dự án bến tàu Royal Albert, phát triển bởi nhà phát triển Trung Quốc ABP. Ảnh nguồn: Bloomberg.

Bốn trong số những ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc mới đây đã thỏa thuận đổ vốn cho giai đoạn đầu của dự án 1,7 tỷ Bảng (2,12 tỷ USD) cải tạo một bến tàu cũ ở phía Đông thành một trung tâm cho các doanh nghiệp châu Á.

Các công ty Trung Quốc đang dần chạm tới khoản đầu tư 4 tỷ Bảng vào bất động sản ở London trong năm nay, vượt qua kỷ lục của năm 2015 khoảng 30%, theo số liệu của CBRE Group.

Mặc dù cuộc bỏ phiếu hồi tháng Sáu của Anh quyết định rời EU giúp giảm giá cho Trung Quốc thông qua giảm giá đồng Bảng so với đồng Nhân dân tệ, lợi nhuận dài hạn phải trông cậy một phần vào việc liệu Brexit có đưa giá cho thuê và giá bán văn phòng xuống bằng cách thu hẹp vị thế trung tâm tài chính của châu Âu hay không.

“Nhà đầu tư Trung Quốc đang đặt cược rằng Anh sẽ làm tốt trong các cuộc đàm phán Brexit và nếu không, các công ty vẫn sẽ chọn London làm nền tảng”, ông Michael Marx, cựu CEO của nhà phát triển U&I Group. “London không trở thành trung tâm tài chính của thế giới sau một đêm và chắc chắn nó sẽ không mất vị trí này một cách nhanh chóng”.

Nhà phát triển ABP London và công ty đầu tư Citic Group đang hy vọng giá cho thuê giảm và sự sụt giảm đồng Bảng sẽ thu hút thêm nhiều công ty Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác đến trung tâm mới của mình. Sự gia tăng đầu tư vào London đi cùng với xu hướng đầu tư vào bất động sản nước ngoài của Trung Quốc, do suy giảm các cơ hội đầu tư bất động sản thương mại trong nước và giá cao.

Kể từ Brexit, người mua từ quốc gia đông dân nhất thế giới đã chi tiêu 600 triệu Bảng vào Anh, theo số liệu của CBRE, chưa bao gồm mua của cá nhân. Hãng đầu tư Minsheng mua Societe Generale SA làm trụ sở ở London của mình với giá 84,5 triệu Bảng. China Vanke mua Ryder Court – một tòa nhà văn phòng ở Mayfair với 115 triệu Bảng và Kingboard Chemical Holdings mua lại Moor Place trong quận tài chính Thủ đô London tháng trước với 271 triệu Bảng.

“Hiện chúng tôi đang nhận được lời đề nghị từ các nhà đầu tư đã cân nhắc trong nhiều năm”, ông Rasheed Hassan, Giám đốc hãng đầu tư xuyên quốc gia của Savills – hãng cố vấn cho khoản đầu tư của Kingboard Chemical cho biết. “Họ đang đồng loạt nhảy vào. Thậm chí khi chỉ có tỷ suất lợi nhuận nhỏ trên khoản đầu tư, hiện nay đang có một khoản chênh lệch lớn từ tỷ giá”.

Giá trị văn phòng ở London đã giảm mạnh ít nhất là trong vòng 7 năm trong tháng Bảy, khi lo ngại tỷ lệ văn phòng trống có thể tăng và giá thuê có thể giảm nếu Brexit có thể khiến các công ty chuyển người lao động ra nước ngoài.

Có dự báo cho rằng, doanh nghiệp quốc tế có thể chuyển khoảng 100.000 việc làm ra khỏi London trong vòng hai năm khi Anh chính thức bắt đầu quá trình rời EU, bởi rủi ro Anh mất quyền hộ chiếu, theo nhà phân tích Mike Prew của Jefferies Group.

Lo ngại rằng London sẽ mất vị trí trung tâm tài chính châu Âu đã không cản trở ABP và Citic đầu tư 300 triệu bảng cho giai đoạn đầu của dự án bến tàu Royal Albert. Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng thương mại và công nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng xây dựng Trung Quốc đang cấp tín dụng cho dự án này.

“Các công ty ở Trung Quốc đã phát triển vượt ra ngoài biên giới và họ cần phải mở rộng ra nước ngoài để phát triển mạnh", người phát ngôn Neil Robinson của ABP nói. ABP ước tính giá cho thuê trong giai đoạn phát triển sẽ ở mức gần 400 Bảng/m2 vào năm 2018.

"London vẫn là một thỏi nam châm lớn hút công ty từ các quốc gia châu Á đã có hiệp định thương mại với EU”, ông nói./.

Ngọc Trang (theo Bloomberg)