PV: Ông có thể cho biết cụ thể những lợi ích mà cơ quan hải quan và doanh nghiệp được hưởng sau khi triển khai Hệ thống Một cửa quốc gia và Hệ thống Quản lý giám sát hải quan tự động tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan?

Hệ thống giám sát hải quan tự động sẽ “phủ sóng” tới các cảng hàng không
Ông Phạm Duyên Phương

Ông Phạm Duyên Phương: Có thể nói, sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 1475/QĐ-BTC (ngày 28/9/2020), cái được lớn nhất là thay đổi phương thức quản lý hải quan, cũng như chuyển đổi phương thức vận hành của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp (DN). Trước đây, thủ tục xuất nhập khẩu được thực hiện trên môi trường phi điện tử, chủ yếu dựa vào giấy tờ thủ công.

Đương nhiên trong môi trường giấy tờ thủ công bộc lộ nhiều hạn chế, chi phí và thời gian thực hiện của DN cao. Thông tin gửi tới cơ quan quản lý, cơ quan hải quan chưa kịp thời, dẫn đến sự chậm chễ trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Về phía cơ quan hải quan, thông tin của DN đến không kịp thời làm mất thời gian để kiểm tra, xác minh độ tin cậy qua hồ sơ giấy.

Chi phí hành chính, quản lý hải quan đương nhiên tăng lên. Nguồn nhân lực phải đầu tư nhiều. Ngoài ra, do chứng từ giấy có độ tin cậy thấp, dẫn đến cơ quan hải quan mất nhiều thời gian phải xác minh, kéo theo thời gian thông quan chậm lại. Đây cũng là sự so sánh giữa lợi ích trước và sau khi áp dụng.

Chúng tôi nhận được nhiều kết quả đánh giá khen ngợi từ các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK), bởi vì chi phí logictics giảm, thời gian thông quan nhanh, chi phí thực hiện XNK được tiết giảm.

Về logistics, do hải quan áp dụng các phương thức hiện đại, thông tin qua môi trường điện tử đã tạo cơ hội cho DN logistics nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng tốt hơn, thu hút được nhiều khách hàng hơn; nâng cao vị thế của DN, hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế; nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Về phía cơ quan hải quan, khi có nguồn thông tin kịp thời hơn, tin cậy hơn có thể áp dụng được các công nghệ hiện đại, giảm bớt được nguồn lực, tập trung kiểm soát các vấn đề rủi ro, đưa công nghệ vào phục vụ cho công tác quản lý, phân tích đánh giá rủi ro.

Hệ thống giám sát hải quan tự động sẽ “phủ sóng” tới các cảng hàng không

Cục Hải quan Hà Nội triển khai hệ thống giám sát hàng hóa và một cửa quốc gia tại sân bay Nội Bài.

PV: Thưa ông, bên cạnh mặt ích cực nêu trên, có ý kiến từ cộng dồng DN cho rằng, Hệ thống Một cửa quốc gia và Hệ thống Quản lý giám sát hải quan tự động còn gặp một số vướng mắc trong quy trình khai báo hàng hóa. Hệ thống công nghệ thông tin còn bị nghẽn mạng, ảnh hưởng đến quá trình thông quan hàng hóa. Tổng cục Hải quan đã giải quyết vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Duyên Phương: Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng nhận thấy một số vấn đề cần rút kinh nghiệm, cần cải cải thiện để chất lượng dịch vụ, để có được sự hài lòng hơn nữa của DN.

Thứ nhất, về quy định pháp lý, chúng tôi cho rằng quá trình vừa qua các quy trình thủ tục đã đi vào cuộc sống, nhận được sự đánh giá cao của DN và các cơ quan Chính phủ. Tuy nhiên, còn nhiều điểm cần sửa đổi để phù hợp với thực tiễn nhằm phục vụ tốt hơn cho DN, cũng như đảm bảo mức độ tin cậy hơn; việc kết nối giữa các cơ quan trong lĩnh vực quản lý hàng hóa XNK, quá cảnh, nhập cảnh được thông suốt, nhịp nhàng, trôi chảy và đồng bộ hơn.

Về mặt kỹ thuật chúng tôi nhận thấy có nhiều thành công, nhưng cũng có nhiều khiếm khuyết trong vận hành hệ thống công nghệ thông tin.

Một vấn đề nữa chúng tôi sẽ phải cải thiện là nguồn nhân lực. Trong hoạt động hàng không đòi hỏi luân chuyển hàng hóa nhanh và các chuyến bay được thực hiện 24/7, do đó công tác hỗ trợ cũng phải đảm bảo 24/7. Đây là việc khó, đòi hỏi cơ quan hải quan phải bố trí đội ngũ cán bộ công chức túc trực 24/7, đảm bảo kịp thời tiếp nhận, xử lý vướng mắc của DN và các hãng hàng không.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Tổng cục Hải quan đang triển khai đề án tái thiết hệ thống công nghệ thông tin, thực hiện hải quan số, hướng tới mô hình hải quan thông minh để theo kịp các chuẩn mực quốc tế.

Giảm thời gian thông quan mỗi lô hàng còn khoảng 10 phút

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, lợi ích đối với cơ quan hải quan đến nay được khẳng định, đảm bảo quản lý, giám sát hàng hóa tự động từ khi đưa vào đến khi đưa ra khỏi kho hàng không nhanh chóng.

Đến nay, 100% các hãng hàng không đã gửi thông tin tới Cổng một cửa quốc gia. Hệ thống quản lý giám sát tự động đã kết nối toàn bộ các kho hàng không tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. Tỷ lệ xử lý tự động của hệ thống đạt ổn định trên 99,5%. Tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, bình quân mỗi ngày có trên 5.300 lô hàng được làm thủ tục, tất cả đều được quản lý, giám sát thông qua hệ thống. Thời gian kiểm tra, giám sát, thông quan mỗi lô hàng giảm từ 3 - 6 giờ xuống trung bình dưới 10 phút.

PV: Từ thành công của sân bay Nội Bài, ngành Hải quan có kế hoạch nhân rộng hệ thống này ra toàn quốc như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Duyên Phương: Đồng thời với việc triển khai Hệ thống một cửa quốc gia và Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động tại sân bay Nội Bài, cơ quan hải quan cũng triển khai tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh).

Đến thời điểm này, chúng tôi rút kinh nghiệm tại sân bay Nội Bài sau 2 năm thực hiện, tiếp tục có những hội thảo, trao đổi với DN và cơ quan liên quan để rút kinh nghiệm đổi với triển khai tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Trên cơ sở đúc rút từ 2 đơn vị này, chúng tôi có kế hoạch trong tương lai gần sẽ mở rộng ra đối với tất cả các chi cục hải quan quốc tế trên toàn quốc.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cục Hải quan Hà Nội thu ngân sách đạt hơn 31.593 tỷ đồng

Theo Cục Hải quan Hà Nội, trong năm 2022, đơn vị đã chủ động bám sát chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, triển khai quyết liệt và hiệu quả nhiệm vụ thu ngân sách, thông qua việc xác định giải pháp trọng tâm, xuyên suốt là tạo thuận lợi tối đa để các doanh nghiệp tiếp tục làm thủ tục hải quan tại các đơn vị thuộc nhằm ổn định và tăng trưởng nguồn thu.

Thống kê cho thấy, đến trung tuần tháng 12/2022, Hải quan Hà Nội đã làm thủ tục thông quan cho lượng hàng hóa kim ngạch đạt 60,69 tỷ USD (tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2021) trong đó, xuất khẩu là 29,61 tỷ USD, nhập khẩu là 31,08 tỷ USD.

Thu ngân sách đạt 31.593 tỷ đồng (bằng 115,2% dự toán và bằng 116,8% cùng kỳ năm 2021), trong đó, riêng địa bàn Hà Nội đạt 23.966 tỷ đồng (bằng 109,4% dự toán và bằng 112,8% cùng kỳ năm 2021). Riêng 12 nhóm hàng nhập khẩu kim ngạch cao, thuế suất lớn, thường xuyên làm thủ tục trên địa bàn đã nộp ngân sách khoảng 19.300 tỷ đồng (chiếm 70% số thu toàn cục), đặc biệt có 5 nhóm mặt hàng tăng 75% kim ngạch và 62% số thuế so với cùng kỳ năm 2021, gồm: nguyên phụ liệu thuốc lá, máy tính, điện thoại, thiết bị điện tử, hàng điện gia dụng, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi.

Với tốc độ thu như hiện nay, Hải quan Hà Nội dự kiến số thu đến hết ngày 31/12/2022 sẽ đạt 33.500 tỷ đồng (tăng 22% so với chỉ tiêu được giao).