Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc do Ban Dân nguyện chuyển tới.

Theo đó, cử tri tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với cơ quan liên quan hướng dẫn việc giao vốn, tài sản đối với đơn vị sự nghiệp tự chủ, để các địa phương thành lập Hội đồng quản lý và là căn cứ để xây dựng vị trí việc làm chủ tịch Hội đồng quản lý, thành viên Hội đồng quản lý.

Hướng dẫn giao vốn, tài sản đối với đơn vị sự nghiệp tự chủ
Ảnh minh họa.

Về việc giao tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) để thực hiện cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, Bộ Tài chính cho biết, tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính đã hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL.

Theo đó: “Việc giao tài sản cho đơn vị sự nghiệp công để thực hiện cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 5/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, các văn bản khác quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Việc quản lý, sử dụng và xử lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan”.

Vì vậy, việc giao tài sản cho ĐVSNCL để thực hiện cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó đã bổ sung quy định về trình tự, thủ tục giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Về việc giao vốn cho ĐVSNCL để thực hiện cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, Bộ Tài chính cũng có trả lời cụ thể.

Việc giao tài sản cho ĐVSNCL để thực hiện cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo đó, tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ (do bộ Nội vụ chủ trì xây dựng) có quy định điều kiện thành lập Hội đồng quản lý là “các ĐVSNCL quy định tại khoản 1 Điều này được Nhà nước giao vốn, tài sản để thực hiện cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định Bộ Tài chính “hướng dẫn việc giao vốn, tài sản cho ĐVSNCL để thực hiện cung ứng dịch vụ sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã bãi bỏ quy định về việc xác định giá trị tài sản để giao cho ĐVSNCL quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008. Do đó, Bộ Tài chính không có cơ sở để hướng dẫn nội dung quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP nêu trên.

Tại Công văn số 349/BTC-HCSN ngày 25/3/2020 gửi Bộ Nội vụ về góp ý dự thảo Nghị định quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL, Bộ Tài chính đã đề nghị bỏ nội dung này.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị cử tri tỉnh Vĩnh Phúc có ý kiến với Bộ Nội vụ để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi nội dung về việc giao vốn cho ĐVSNCL quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC./.