Tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa

Trong tháng 01/2021, Chính phủ Indonesia thông qua chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân trong năm 2021 nhằm giúp các gia đình vượt qua được những khó khăn của đại dịch và khuyến khích phát triển kinh tế. Với mục đích này, Chính phủ đã phân bổ 110 nghìn tỷ IDR trong ngân sách nhà nước, bao gồm Chương trình hy vọng gia đình, Chương trình hỗ trợ thực phẩm cơ bản và Hỗ trợ xã hội tiền mặt. Chương trình hỗ trợ tiền mặt được phân phối 3 tháng một lần, trong 4 giai đoạn (tháng 1, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 năm 2021) thông qua Hiệp hội Ngân hàng của Nhà nước.

Trong tháng 7/2021, Chính phủ nước này đã quyết định tăng chi ngân sách cho chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội từ mức gần 94 nghìn tỷ IDR lên hơn 214 nghìn tỷ IDR, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Cụ thể, ngân sách năm 2021 chi cho y tế bao gồm hơn 25,8 nghìn tỷ IDR để điều trị tại bệnh viện và cách ly tại nhà cho bệnh nhân Covid-19, và hơn 2,7 nghìn tỷ IDR để xây dựng các bệnh viện tạm thời. Chính phủ cũng sẽ phân bổ gần 58 nghìn tỷ IDR cho chương trình tiêm chủng và hơn 1.000 nghìn tỷ IDR để hỗ trợ các nhân viên y tế. Ngoài ra, Chính phủ sẽ tăng thêm 400 tỷ IDR để mua dược phẩm điều trị Covid-19, 70 tỷ IDR cho ôxy khẩn cấp,... Chi cho bảo trợ xã hội tăng từ 153,86 nghìn tỷ IDR lên 187,84 nghìn tỷ IDR.

Indonesia thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19
Ảnh: minh họa

Tiếp đó, Bộ Tài chính Indonesia thông báo tiếp tục gia hạn ưu đãi thuế đối với xe ô tô trong tháng 9/2021. Theo đó, chính sách miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt 100% có hiệu lực từ tháng 3-5/2021 và giảm 50% có hiệu lực từ tháng 6-8/2021 đối với xe ô tô sedan và xe có động cơ dưới 1.500 cc sẽ được gia hạn đến hết năm 2021 nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp tại nước này.

Trước đó, nhằm tăng cường chi ngân sách hỗ trợ hiệu quả việc đẩy lùi đại dịch Covid-19, tăng tốc đà phục hồi kinh tế và cải cách cơ cấu, Bộ Tài chính nước này thông báo sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện các bước trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục ưu tiên hỗ trợ để xây dựng một hệ thống y tế tích hợp và đáng tin cậy, tăng cường các chương trình bảo trợ xã hội thích ứng, nâng cao chất lượng giáo dục để phát triển một nguồn nhân lực vượt trội và có tính cạnh tranh, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi kinh tế và cải thiện bộ máy hành chính hiệu quả hơn.

Thứ hai, tiếp tục cải cách ngân sách, với việc chi cho các nhu yếu phẩm hiệu quả hơn, tập trung vào các chương trình ưu tiên. Việc triển khai ngân sách cũng phải chú trọng nhiều hơn đến hiệu quả.

Thứ ba, tiếp tục trợ cấp và trợ giúp xã hội có mục tiêu và hiệu quả hơn. Do đó, độ chính xác của dữ liệu người nhận (dữ liệu phúc lợi xã hội tích hợp) phải được cải thiện, đồng thời cơ chế phân phối, sức mạnh tổng hợp và tích hợp giữa các chương trình liên quan cũng phải được quan tâm hơn.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường chất lượng phân cấp tài khóa, thông qua việc phát triển hệ thống thuế khu vực để hỗ trợ phân bổ hiệu quả các nguồn lực quốc gia. Indonesia sẽ thực hiện bốn bước nhằm tăng cường chi ngân sách hỗ trợ hiệu quả việc đẩy lùi đại dịch Covid-19, tăng tốc đà phục hồi kinh tế và cải cách cơ cấu.

Bên cạnh nỗ lực từ trong nước, Indonesia cũng nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức định chế tài chính quốc tế trong việc ứng phó với Covid-19 và phát triển nền kinh tế.

Theo đó, tháng 8/2021, Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á đã giải ngân cho nước này với tổng trị giá là 2,89 tỷ USD trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và ứng phó với Covid-19 từ năm 2016 đến tháng 6/2021. Trong đó, 1,5 tỷ USD dành cho chương trình ứng phó với đại dịch Covid-19 và bổ sung cho chương trình ứng phó khẩn cấp với Covid-19; số còn lại là tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Chính sách tiền tệ nới lỏng

Trong bối cảnh lạm phát được dự báo tiếp tục ở mức thấp, tỷ giá đồng IDR ổn định và nhằm thúc đẩy đà phục hồi kinh tế, tháng 02/2021, Ngân hàng trung ương nước này quyết định giảm lãi suất theo hợp đồng mua lại đảo ngược thời hạn 7 ngày (BI-7DRR) 25 điểm phần trăm xuống còn 3,5%.

Đồng thời, hạ lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay 25 điểm phần trăm xuống còn lần lượt là 2,75% và 4,25%. Đây là lần hạ lãi suất thứ sáu của Indonesia kể từ đầu năm 2020 đến nay, với tổng cộng 150 điểm phần trăm, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế. Tháng 8/2021, Ngân hàng Trung ương Indonesia giữ nguyên chính sách này.

Trước đó, vào tháng 6/2021, Chính phủ Indonesia công bố đã phát hành thành công 3 tỷ USD trái phiếu hồi giáo (sukuk) nhằm phục hồi nền kinh tế trước những tác động của đại dịch Covid-19. Theo đó, đã có 1,25 tỷ USD trái phiếu có kỳ hạn 5 năm với lợi suất 1,5%/năm; 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lợi suất 2,55%/năm và 750 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 30 năm với lợi suất 3,55%/năm./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)