Kỳ họp thứ 4 dự kiến diễn ra trong 22 ngày

Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 5 luật, 17 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu về 6 dự án luật khác và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác. Các luật, nghị quyết được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao. Các nội dung cũng như các điều kiện đảm bảo tại kỳ họp đều được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, đúng quy định của pháp luật.

Khẩn trương chuẩn bị từ sớm, từ xa cho Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội
Toàn cảnh phiên họp sáng 12/7

Trong quá trình diễn ra kỳ họp, trước yêu cầu của thực tiễn, Quốc hội đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình; tăng thời lượng truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam một số phiên thảo luận về các dự án luật quan trọng, có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và cử tri giám sát các hoạt động của Quốc hội. Đại diện Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố tham dự phiên giám sát tối cao góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Quốc hội với cơ quan dân cử ở địa phương, đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan dân cử nói chung.

Về chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10/2022 và dự kiến bế mạc vào ngày 18/11/2022. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội dự kiến họp tập trung cả kỳ trong 22 ngày, trong đó dành 10,5 ngày cho công tác lập pháp; 9,5 ngày cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; 1 ngày cho phiên trù bị, khai mạc, bế mạc, thông qua một số luật, nghị quyết và dự phòng 1 ngày.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thảo luận, hiệu quả sử dụng thời gian kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội xem xét kỹ các nội dung thuộc trách nhiệm để đề xuất thời gian và cách thức tiến hành đối với từng nội dung cho phù hợp; đồng thời đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tuần đầu tiên của tháng 9/2022 để cho ý kiến về một số dự án luật có nhiều ý kiến khác nhau…

Khẩn trương chuẩn bị từ sớm, từ xa cho Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp

Trọng tâm của Kỳ họp thứ 4 là công tác xây dựng pháp luật

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cơ bản đồng tình với nội dung Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 3, nhấn mạnh đây là một trong những kỳ họp thành công của Quốc hội. Các ý kiến cho rằng Kỳ họp thứ 3 đã được chuẩn bị khoa học và tiến hành theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm.

Việc tổng hợp ý kiến thảo luận đầy đủ, chính xác, kịp thời; các phiên họp diễn ra sôi nổi; đại biểu Quốc hội tích cực tham gia ý kiến chất lượng, sâu sắc, toàn diện, góp phần tạo nên thành công của Kỳ họp. Bên cạnh đó, các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật cơ bản thực hiện tốt, được chuẩn bị chu đáo; trang bị đầy đủ, đáp ứng nhu cầu đại biểu; công tác an ninh, an toàn kỳ họp được thực hiện tốt, chặt chẽ, đúng quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong suốt thời gian diễn ra Kỳ họp.

Điều hành của Chủ tọa hài hòa, khoa học, hiệu quả

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Đoàn chủ tịch làm việc tích cực, trí tuệ, trách nhiệm cao; công tác điều hành của Chủ tọa hài hòa, khoa học, linh hoạt, hiệu quả, sát diễn biến thực tế, đảm bảo đúng nội dung và chương trình được Quốc hội thông qua, phát huy được tinh thần trách nhiệm các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, tạo không khí dân chủ, sôi nổi nhưng vẫn nghiêm túc tại nghị trường. Đặc biệt, công tác điều hành kết luận nội dung thảo luận các phiên họp hết sức ngắn gọn, khoa học, gọn gàng. Công tác điều hành tại các chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội rất hài hòa, đảm bảo tạo điều kiện hết sức cho các Bộ trưởng có thời gian chuẩn bị cho phần trả lời.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, tại Kỳ họp vừa qua, công tác thông tin, tuyên truyền có sự đổi mới, đột phá rất lớn, đặc biệt là quyết định truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam một số phiên thảo luận về các dự án luật quan trọng, có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho biết, qua tiếp xúc cử tri tại tỉnh Long An, bà con rất vui mừng, phấn khởi khi được tạo điều kiện thuận lợi để theo dõi các hoạt động của Quốc hội.

Nhấn mạnh trọng tâm của Kỳ họp thứ 4 tiếp theo là công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, đây là dự án luật khó, rất quan trọng. Do vậy, đề nghị các cơ quan liên quan, đặc biệt là cơ quan thẩm tra và cơ quan trình tiếp tục phát huy tinh thần phối hợp, cùng nhau chuẩn bị từ sớm, từ xa để hoàn thiện, bảo đảm chất lượng của dự án luật trước khi trình ra Quốc hội.

Kết thúc nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị và nội dung báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội. Để đảm bảo thành công thực chất của Kỳ họp trên thực tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban, cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tăng cường, khẩn trương hơn nữa tổ chức, hướng dẫn, triển khai, giám sát việc thực hiện, triển khai các chính sách pháp luật, nghị quyết, luật mà Quốc hội đã thông qua.

Khẩn trương hoàn thiện dự kiến nội dung của Kỳ họp tới

Thông qua kinh nghiệm và các bài học từ các Kỳ họp trước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để tổ chức thành công Kỳ họp thứ 4 sắp tới, các cơ quan hữu quan cần phát huy tinh thần chủ động, khởi động ngay từ bây giờ, chuẩn bị từ sớm, từ xa. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương hoàn thiện dự kiến bước đầu nội dung của Kỳ họp thứ 4 để thông báo sớm cho các cơ quan được biết và chuẩn bị. Bên cạnh đó, đề nghị tăng cường tổ chức các hội đàm, hội thảo, các buổi làm việc giữa cơ quan chủ trì thẩm tra với cơ quan chủ trì soạn thảo về các nội dung, dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4.