Khối ngoại bán ròng mạnh, nguyên nhân vì đâu?
Nguồn: VN-Index. Đồ họa tư liệu

Vốn ngoại đi ngược chiều

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì diễn biến tích cực trong quý I/2024. Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên cuối tháng 3 tại mức 1.284,09 điểm, tăng khoảng 13% so với đầu năm. Chỉ số này đã lập đỉnh từ đầu năm 2024 tới nay và vượt đỉnh của năm 2023. Tại ngày 28/3, chỉ số VN-Index chạm đỉnh cao nhất tại 1.293,9 tăng 14,2% kể từ đầu năm và 27% so với đầu tháng 11 năm ngoái.

Không chỉ có điểm số, thanh khoản thị trường cũng tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Thanh khoản toàn thị trường tăng từ mức bình quân 18.751 tỷ đồng/phiên ở tháng 1 đã lên mức 30.200 tỷ đồng/phiên trong tháng 3. So với 3 tháng cùng kỳ năm ngoái, thanh khoản đã tăng gấp 2 lần. Tính riêng trên HOSE, trong tháng 3/2024, thanh khoản thị trường cổ phiếu tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, thể hiện ở khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu/ngày, với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.495 tỷ đồng/ngày; tăng lần lượt 19,7% về khối lượng và 28,1% về giá trị bình quân so với tháng 2.

Xu hướng tích cực về điểm số và thanh khoản đến từ tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư và lực đẩy chủ yếu đến từ khối nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, trái ngược với dòng tiền nội, khối ngoại bắt đầu tăng cường bán ròng từ giữa tháng 3 cho tới nay và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo thống kê, tính tới ngày 3/4/2024, khối ngoại đã bán ròng hơn -14.000 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó tính riêng sàn HOSE khối ngoại bán ròng -16.550 tỷ đồng. Dòng tiền qua các kênh ETF cũng bị rút ròng hầu như ở tất cả các quỹ. Lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 3, các quỹ ETF bị rút ròng -303 triệu USD (tương đương -7.500 tỷ đồng). Đây là con số bán ròng tương đối lớn của khối ngoại, với nhiều phiên trên 1 nghìn tỷ đồng. Như vậy, so sánh với năm 2023, chỉ trong vòng hơn 1 quý, khối ngoại bán ròng hơn 50% tổng giá trị năm trước (năm 2023, khối ngoại bán ròng -22.800 tỷ đồng).

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên viên cao cấp Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), lý giải việc khối ngoại bán ròng diễn ra trong bối cảnh tỷ giá có dấu hiệu nhích tăng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái hút tiền về qua kênh tín phiếu. Tuy nhiên, không như thời điểm tháng 9 năm ngoái, tỷ giá không những không giảm mà còn lập đỉnh cao mới. “Nhu cầu USD cũng tăng so với năm ngoái khi xuất nhập khẩu năm nay tăng tốt trở lại; giá vàng lập đỉnh cao mới cũng cần một lượng USD khá lớn cho việc nhập khẩu vàng… Đây cũng là một nguyên nhân khiến tỷ giá chịu thêm áp lực tăng” - ông Hưng nói.

Trên bình diện quốc tế, chuyên gia của MBS cho biết thêm, dòng vốn đầu tư tiếp tục chảy về Mỹ khi thị trường chứng khoán vẫn trong chu kỳ tăng giá. Nền kinh tế Mỹ vẫn vững vàng và thị trường lao động thắt thặt, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm và 2 năm lần lượt tăng 13% và 10% đã đẩy lùi kỳ vọng số lần giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ông Ngô Quốc Hưng cho rằng, các nhân tố này sẽ tiếp tục định hướng dòng vốn đầu tư về Mỹ dựa trên môi trường lãi suất cao, FED có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất sẽ tiếp tục tạo áp lực lên tỷ giá VND/USD.

Vốn nội là chủ đạo và trụ đỡ

Giao dịch chứng khoán khối ngoại tuần 20-24/7: Bán ròng tăng mạnh lên hơn 536 tỷ đồng

Trong báo cáo mới phát hành, Công ty Chứng khoán ABC (ABCS) cho biết, áp lực tỷ giá trong nước dự kiến sẽ kéo dài và dai dẳng hết quý II/2024, trước khi FED chính thức cắt giảm lãi suất. Thanh khoản VND có thể sẽ bị kiểm soát chặt hơn và lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng có thể sẽ tăng lên. Điều này có thể sẽ tạo áp lực ngắn hạn lên đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo dự báo của một số chuyên gia, xu hướng của dòng vốn ngoại trên thị trường vẫn khó đoán định. Khối ngoại có thể sẽ ngưng đà bán khiến giá trị bán ròng hạ nhiệt trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc khối ngoại mua ròng trở lại hoặc xu hướng mua ròng mạnh mẽ hơn vẫn là ẩn số nếu FED vẫn duy trì mặt bằng lãi suất như hiện nay.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến đều cho rằng, giao dịch bán ròng của khối ngoại chỉ tác động tâm lý và không lớn tới diễn biến của thị trường trong nước. Dòng tiền khối nội vẫn sẽ là điểm tựa và là động lực hỗ trợ cho xu hướng trung hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo chuyên gia của Dragon Capital, thị trường chứng khoán trong nước có thể sẽ xuất hiện vài nhịp điều chỉnh ngắn song xu hướng tích cực vẫn duy trì. Chỉ số VN-Index có thể kỳ vọng sẽ vượt mốc 1.300 trong tháng 4.

Theo phân tích của chuyên gia Dragon Capital, thanh khoản thị trường vẫn sẽ tích cực. Theo đó, yếu tố lãi suất tiết kiệm thấp, trong khi bối cảnh kinh doanh sản xuất thương mại vẫn còn khó khăn dẫn đến dòng tiền chảy vào các kênh tài sản như chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận. Xu hướng này có thể tiếp tục trong thời gian tới và dòng tiền trong nước sẽ chảy vào thị trường chứng khoán trong nước ngày càng nhiều hơn với mức tăng từ 20 - 30% so với cuối năm.

Nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục

Chuyên gia của ACBS đánh giá, VN-Index đang kiểm chứng vùng 1.280 - 1.300 điểm, đây là vùng kháng cự quan trọng. Thanh khoản duy trì đà tăng tích cực, ủng hộ cho diễn biến tăng giá của VN-Index trong trung hạn. Tuy nhiên, những yếu tố có thể kìm hãm đà tăng ngắn hạn của VN-Index đang dần xuất hiện. Vì vậy, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục trong giai đoạn này, vùng dao động dự kiến của VN-Index 1.230 - 1.300 điểm.