Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh
Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng.

PV: Thưa ông, từ tháng 2/2022, hầu hết hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% sẽ được giảm xuống còn 8%, áp dụng đến hết năm 2022, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Ông đánh giá thế nào về việc giảm thuế này?

Ông Mạc Quốc Anh: Khi áp dụng giảm thuế VAT, chúng ta sẽ đạt được rất nhiều mục đích. Việc giảm thuế VAT sẽ giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, qua đó sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm phục hồi. Tới đây, khi chúng ta kích cầu du lịch thì chuỗi giá trị cung ứng sẽ được gia tăng nhờ áp dụng việc giảm thuế. Bên cạnh đó, có thể kiểm soát được vấn đề về lạm phát, duy trì các hoạt động sản xuất, các hoạt động của kinh tế vĩ mô.

Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh
Ông Mạc Quốc Anh

Đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN), việc giảm thuế này vô cùng quan trọng. Giảm thuế VAT sẽ giúp các DN tích lũy nguồn tài chính nhất định để đầu tư và mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng cường các giá trị gia tăng sau dịch vụ cho người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ cho thị trường để thúc đẩy các sản phẩm dịch vụ của DN vào các thị trường nội địa. Từ đó, giúp cho các DN mạnh dạn trong việc xuất khẩu các hàng hóa mà có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất khi nhiều mặt hàng giảm giá nhờ giảm thuế.

PV: Có thể thấy lợi ích của việc giảm thuế VAT đã rõ ràng, tuy nhiên có tình trạng một số nơi vẫn chưa áp dụng chính sách này. Theo ông, vì sao có tình trạng này?

Ông Mạc Quốc Anh: Như chúng ta đã biết, việc giảm thuế VAT 2% sẽ tác động giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng (trong đó chính sách giảm thuế VAT là khoảng 49,4 nghìn tỷ đồng; thực hiện chi phí được trừ đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 là khoảng 2 nghìn tỷ đồng).

Xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng
Nghị định 15

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách của Tổng cục Thuế, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp không giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Tổng cục Thuế đã có công điện gửi cục thuế các địa phương về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện giảm thuế VAT theo quy định tại Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 15/NĐ-CP của Chính phủ. Theo Tổng cục Thuế, hiện nay vẫn còn một số trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh chưa xuất hóa đơn VAT áp dụng mức thuế suất thuế 8% (đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%) theo quy định tại Nghị định 15/NĐ-CP.

Như vậy, mặc dù chính sách giảm thuế VAT đã được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, báo chí từ trung ương đến địa phương nhưng một số đơn vị kinh doanh vẫn chưa chủ động trong việc tiếp cận các chính sách để thực hiện. Nếu chính sách không được triển khai một cách kịp thời thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng khi họ không mua được hàng hóa đúng giá đã được giảm thuế. Đồng thời, sẽ không kích cầu tiêu thụ hàng hóa. Khi không lưu thông được hàng hóa, thanh khoản kém dẫn đến thị trường bị hạn chế về tăng trưởng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục giảm thêm thuế VAT. Theo ông mức giảm 2% hiện nay có hợp lý hay không?

Ông Mạc Quốc Anh: Để phân tích vấn đề này thì chúng ta phải nhìn rộng ra những nước xung quanh. Ví dụ, Nhật Bản đang áp dụng thuế VAT là 5%, Singapo và Thái Lan là 7% nhưng gần đây nhất thì hạ viện của Nhật Bản cũng trình Chính phủ để tăng thuế GTGT lên từ 8 - 10%. Các nước ở Châu Âu như Bỉ hoặc Pháp thì thuế GTGT 21%. Vì vậy, việc chúng ta giảm thuế cũng cần phải tính toán.

Bên cạnh đó, chúng ta phải tính đến chính sách tổng thể của nền kinh tế vĩ mô. Hiện ngân sách nhà nước vẫn còn hạn hẹp, chúng ta còn có rất nhiều đối tượng cần thụ hưởng những chính sách, vì vậy việc giảm phải có lộ trình.

Bài toán đặt ra ở đây là làm sao phải đảm bảo vấn đề về ngân sách để hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng kết nối với các hệ thống về mặt thương mại, các cảng biển, điện đường, trường trạm để phục vụ nhu cầu dân sinh cũng như thúc đẩy và thu hút các nhà đầu tư FDI đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Việc giảm thuế VAT theo lộ trình 2% là việc cần thiết, nếu chúng ta giảm quá sâu thì không đảm bảo yếu tố về mặt chất lượng hàng hóa dịch vụ và sản phẩm không đủ sức cạnh tranh cho các DN của Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

“Giảm thuế giá trị gia tăng không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà cho cả doanh nghiệp, cho sản xuất trong nước, đẩy mạnh được tiêu dùng nội địa, tạo đà cho hồi phục kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP sẽ góp phần giúp Chính phủ thực hiện được hai mục tiêu lớn là hỗ trợ được tăng trưởng kinh tế và ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”. Ông Mạc Quốc Anh