Kích cầu tiêu dùng, tạo sức bật cho tăng trưởng |
Thị trường hàng hóa thế giới năm 2025 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp do các yếu tố địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng Trung Đông và chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa chuỗi cung ứng năng lượng, hàng hóa, đẩy giá mặt hàng thiết yếu tăng và có thể gây ra làn sóng lạm phát mới.
Trong bối cảnh đó, thị trường nội địa Việt Nam được xác định là “trụ cột” ổn định tăng trưởng kinh tế và “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp, đặc biệt khi xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức.
Ở trong nước, thị trường hàng hóa đang phục hồi tích cực nhờ đà tăng trưởng kinh tế. GDP năm 2024 đạt 7,9%, và quý I/2025 ước tăng 6,93% so với cùng kỳ, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025. Thu nhập người dân cải thiện cùng các chương trình kết nối cung cầu, bình ổn thị trường tại các địa phương lớn đã tạo niềm tin và kích thích tiêu dùng.
Tuy nhiên, biến động tỷ giá, chiến tranh thương mại và sự chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ offline sang online đặt ra thách thức cho doanh nghiệp nội địa.
Tại hội nghị về phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng do Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) tổ chức, các đại diện từ Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Sở Công thương các tỉnh, thành phố, cùng các hiệp hội, doanh nghiệp lớn và tổ chức tín dụng đã thảo luận nhiều nội dung.
Trong đó, các đại biểu đã đánh giá sức mua, nhu cầu tiêu dùng và thực trạng thị trường hàng hóa từ đầu năm 2025; phân tích khó khăn như chi phí trưng bày cao tại siêu thị, thủ tục phức tạp cho doanh nghiệp nhỏ, và năng lực thích nghi yếu với xu hướng tiêu dùng số hóa, sản phẩm xanh; đề xuất giải pháp đồng bộ để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025.
![]() |
Hội nghị về các giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Lạc Nguyên |
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước nhấn mạnh: “Kinh tế toàn cầu suy giảm và các yếu tố như chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá đang tác động tiêu cực đến thu nhập và tiêu dùng nội địa. Doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi với xu hướng mua sắm online và nhu cầu về sản phẩm xanh, có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, còn gặp khó khăn trong tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại do chi phí cao và thủ tục phức tạp”.
Ông Linh kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội để phát huy chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tài chính tín dụng - quản lý nhà nước, xây dựng thị trường nội địa năng động, hiện đại và bền vững.
Sau hội nghị, Bộ Công thương sẽ tổng hợp ý kiến, báo cáo và đề xuất với Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo thị trường trong nước phát triển ổn định, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và tạo nền tảng cho các năm tiếp theo. |