Tại hội nghị Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Trùng Khánh) ngày 16/10, bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, thành phố Trùng Khánh - địa phương cửa ngõ quan trọng trong thúc đẩy giao lưu, hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa khu vực Tây Nam, Trung Quốc với Việt Nam.

Kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Trùng Khánh (Trung Quốc) giảm đáng kể
Bà Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Anh

Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch covid-19 và kinh tế thế giới gặp khó khăn, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Trùng Khánh giảm đáng kể.

6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch hai bên chỉ đạt 3,01 tỷ USD, giảm 20,8% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Trùng Khánh đạt 2,03 tỷ USD), giảm 18,5%. Việt Nam nhập khẩu từ Trùng Khánh đạt 973,36 triệu USD, giảm 23,7% so với cùng kỳ.

Chính vì vậy, hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Trùng Khánh) là dịp mở ra những cơ hội mới, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc (Trùng Khánh) tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thương mại, trong thời gian tới.

Trùng Khánh có nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại tiêu thụ nông sản Việt Nam
Hoạt động thông thương tại cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) với Trùng Khánh (Trung Quốc). Ảnh: TL

Nhằm tiếp tục khai thác, phát huy đầy đủ những tiềm năng, nhu cầu của cả hai bên, bà Phan Thị Thắng đề nghị chính quyền thành phố Trùng Khánh quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trùng Khánh các mặt hàng có thế mạnh (trái cây, thủy sản, nông sản khác, hàng dệt may,...).

Ủng hộ doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành chế biến nông sản, dược liệu mà Trùng Khánh có ưu thế qua đó giúp nâng cao năng lực chế biến nông sản cho Việt Nam.

Tại hội nghị, đáp lại thiện chí của phía Việt Nam, Phó Thị trưởng thành phố Trùng Khánh Trương Quốc Trí bày tỏ sự nhất trí, ủng hộ đối với quan điểm và những đề xuất từ phía Việt Nam.

Theo đó, Trùng Khánh mong muốn phía Việt Nam cùng thúc đẩy nhiều hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia cùng xây dựng “Tuyến đường mới trên bộ trên biển”, hai bên sẽ mở rộng hợp tác kinh tế thương mại thực chất giữa các doanh nghiệp, đặc biệt trong một số lĩnh vực như vận tải, chế tạo, mua bán xe năng lượng mới, lụa tơ tằm...