Tập trung triển khai nhiều dự án trọng điểm

Ngày 6/9, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8 năm 2022 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tại phiên họp, Chính phủ đã tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022, tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đạt được nhiều kết quả tích cực. Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI tính chung 8 tháng tăng 2,58%, tương đương cùng kỳ các năm 2018 - 2021; giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng giảm nhẹ; bảo đảm nguồn cung điện, xăng dầu, chủ động phương án điều hành để tạo dư địa hỗ trợ giá xăng dầu trong trường hợp cần thiết.

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai các dự án trọng điểm, xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình quan trọng, chiến lược trong 8 tháng đầu năm như đoạn Cao Bồ - Mai Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Hạ Long - Móng Cái, cầu Thủ Thiêm 2; Nhiệt điện Thái Bình, Nghi Sơn, Sông Hậu…; xử lý 2 ngân hàng kiểm soát đặc biệt…

Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là một trong những dự án trọng điểm vừa mới khai trương đưa vào sử dụng.
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là một trong những dự án trọng điểm vừa mới khai trương đưa vào sử dụng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng khó dự báo; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung… tạo áp lực lên lạm phát trong nước.

Điều hành tăng trưởng tín dụng chịu sức ép lớn để kiềm chế lạm phát, nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay. FDI đăng ký cấp mới 8 tháng chỉ bằng 56,1% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỷ giá, thu hút công nghệ cao… trong trung và dài hạn.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm tiếp tục ổn định và khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, lưu lượng vận tải trong dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua cao nhất từ trước tới nay, cao hơn cả mùa hè năm 2019 là năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Nhìn từ hoạt động vận tải, kinh tế đang chuyển mình và phát triển tốt.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, chúng ta vừa kiềm chế dịch bệnh, vừa phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tạo nhiều điểm sáng. Chính phủ đã tập trung mạnh mẽ vào đột phá về thể chế và đột phá về hạ tầng để tạo động lực phát triển mới.

12 kết quả nổi bật đạt được trong 8 tháng

Phát biểu làm rõ một số nội dung, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 12 kết quả nổi bật đạt được trong 8 tháng qua, tiêu biểu như: tiếp tục làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, chăm lo sức khỏe nhân dân; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; 5 cân đối lớn được bảo đảm tốt; nền kinh tế tiếp tục phục hồi; vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục xu hướng tăng; phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh; các loại hình thị trường từng bước phục hồi, được kiểm soát; những vấn đề cấp bách được xử lý kịp thời, hiệu quả như xăng dầu, tỷ giá…; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả được chỉ đạo giải quyết phù hợp…

Trên 600 cuộc làm việc trong 8 tháng

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong 8 tháng, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức trên 600 cuộc làm việc, trong đó có 13 phiên họp Chính phủ, đã ban hành 76 văn bản quy phạm (gồm 68 nghị định và 18 quyết định quy phạm của Thủ tướng) để triển khai các nhiệm vụ theo các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, có những nội dung như nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cần tới 3 cuộc họp để giải quyết.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ còn nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp. Sức ép lạm phát rất cao. Giải ngân đầu tư công chậm được cải thiện, đây là vấn đề kéo dài nhiều năm nhưng chưa có giải pháp tích cực. Thu hút vốn FDI chưa được như kỳ vọng. Số doanh nghiệp rút lui và giải thể còn cao…

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi; tiếp tục thực hiện đồng bộ, toàn diện, tổng thể, quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, đường lối, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tăng cường phân cấp, phân quyền, nắm tình hình, ứng phó diễn biến mới.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện các trọng tâm chỉ đạo, điều hành đã được phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 xác định, gồm "4 ổn định" (ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội); 3 "tăng cường" (tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính nhà nước);

"2 đẩy mạnh" (đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và công tác quy hoạch); "1 tiết giảm" là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết; và "1 kiên quyết không" là không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột.

Đã giải ngân 55.500 tỷ đồng cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 6/9 về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến ngày 2/9, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình sơ bộ đạt 55,5 nghìn tỷ đồng.

Trong đó: các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.073 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3.045 tỷ đồng cho gần 4,54 triệu lao động; hỗ trợ 2% lãi suất đạt 13,5 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8/2022 là 34.970 tỷ đồng; gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7,4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng do chênh lệch số liệu khi xây dựng chính sách và triển khai thực tế, thủ tục còn phức tạp và chính quyền một số địa phương triển khai chưa quyết liệt; việc hỗ trợ lãi suất 2% còn hạn chế…

Về giải ngân đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân đến ngày 31/8 là hơn 212.227 tỷ đồng, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tính về số tuyệt đối giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 24.942 tỷ đồng.

Đánh giá về tình hình triển khai chương trình phục hồi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện “chưa được như kỳ vọng”. Nguyên nhân chủ yếu là do chênh lệch giữa số liệu tại thời điểm xây dựng chính sách và triển khai thực tế; đồng thời, trình tự, thủ tục xác nhận, giải ngân còn phức tạp. Trong khi đó, việc cho vay chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội gặp một số khó khăn; việc hỗ trợ lãi suất 2% cũng còn hạn chế...