Lãi suất tiếp tục đi vào xu hướng giảm, nhưng vẫn có thể tăng trở lại
Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại có thể sẽ tăng từ quý II/2024. Ảnh: TL

Chính sách “ngấm” dần

Chính sách tiền tệ nới lỏng đã được thực hiện từ khá sớm, nhưng do có “độ trễ” nên nền kinh tế vẫn chưa thực sự thụ hưởng giai đoạn lãi suất thấp thực sự. Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện 4 lần giảm lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2%/năm. Lần thứ nhất có hiệu lực từ giữa tháng 3/2023 và lần thứ tư vào tháng 6/2023. Sau lần giảm lãi suất gần đây nhất, lãi suất cho vay qua đêm chỉ còn 5%/năm, lãi suất tái cấp vốn là 4,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu là 3,0%/năm...

Ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ của các quốc gia khác

Về các yếu tố bên ngoài, chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng sẽ có sự điều chỉnh theo bối cảnh cụ thể của các diễn biến kinh tế. Trong khi đó, việc FED thực thi chính sách tiền tệ ra sao cũng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp nền kinh tế Mỹ và các nền kinh tế các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều tháng sau khi các quyết định giảm lãi suất điều hành được NHNN công bố, trên thị trường nhiều doanh nghiệp vẫn có ý kiến cho rằng lãi suất cho vẫn cao. Trong một cuộc họp diễn ra vào tháng 11/2023, vẫn có doanh nghiệp “than thở” về tình hình lãi suất cho vay vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, diễn biến cuối năm 2023 và đầu năm 2024 cho thấy bối cảnh đang thay đổi khá rõ ràng. Nhiều ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra cũng tiếp tục có xu hướng giảm thấp hơn nữa.

Tính đến giữa tháng 1/2024, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm thấp. Chẳng hạn như, Techcombank đã đưa lãi suất tiền gửi tiết kiệm Phát lộc tại quầy kỳ hạn 1 và 2 tháng hiện dao động từ 2,55 - 2,7%/năm; KienLongBank đưa lãi suất 9 tháng xuống còn 5,2%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 2 tháng tại Vietcombank cũng đã giảm về mức rất thấp với chỉ 1,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 4,7%/năm…

Với đầu ra, lãi suất cho vay cũng đã có diễn biến giảm sâu. Theo công bố của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm được khoảng 2,5% so với giai đoạn cuối năm 2022. Đến thời điểm đầu năm 2024, lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng nhóm Big 4 trong giai đoạn ưu đãi lãi suất chỉ còn khoảng từ 6,4 - 7%/năm. Hết thời hạn ưu đãi, lãi suất thả nổi theo biên độ khoảng 3,5%.

Nhiều yếu tố tác động đan xen

Những diễn biến của lãi suất từ mức đỉnh cao cuối năm 2022 xuống mức thấp hiện nay cũng đang có nhiều tác động khác nhau đến hành vi người tiêu dùng. Ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường thuộc VinaCapital, cho biết đợt tăng lãi suất tiết kiệm cuối năm 2022 đã mang đến thêm thu nhập cho người gửi tiền và đã được dùng cho chi tiêu tiêu dùng. Năm nay, lãi suất thấp hơn sẽ giúp người tiêu dùng dễ vay để mua các mặt hàng giá trị cao và đây điều tốt cho tiêu dùng trong nước.

Mặc dù lãi suất thấp là yếu tố thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp có thể mạnh dạn vay tiền nhiều hơn để phục vụ cho các nhu cầu tiêu dùng và kinh doanh, nhưng những biến động tương lai cũng là yếu tố cần tính toán, nhất là với các khoản vay trung và dài hạn theo lãi suất thả nổi.

Lãi suất tiếp tục đi vào xu hướng giảm, nhưng vẫn có thể tăng trở lại
Lãi suất thấp sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng, đây điều tốt cho tiêu dùng trong nước. Ảnh: TL

Trong bối cảnh hiện nay, một số chuyên gia cho rằng, dự báo lãi suất đầu vào đã đi vào vùng đáy và khó có khả năng giảm thêm, khi cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên. Trong khi đó, lãi suất đầu ra hiện đã xuống mặt thấp, nhưng dư địa có thể giảm thấp hơn nữa vẫn còn, đặc biệt là trong nhóm các ngân hàng cổ phần.

Tuy nhiên về trung hạn và dài hạn, lãi suất sẽ còn phục thuộc các yếu tố vĩ mô như diễn biến của tình hình xuất nhập khẩu, lạm phát… Trong đó, hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi có thể sẽ làm gia tăng nhu cầu vay vốn và theo đó tạo ra áp lực làm cho lãi suất tăng trở lại.

Ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam thuộc Ngân hàng Standard Chartered cho biết, hiện nay xuất nhập khẩu đang bắt đầu phục hồi, mặc dù thương mại điện tử vẫn chưa thấy tín hiệu phục hồi rõ ràng. Sự phục hồi FDI còn mờ nhạt, dấu hiệu phục hồi dòng vốn FDI mạnh mẽ hơn đòi hỏi tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn.

Trong bối cảnh này, lạm phát có thể tăng lên 5,5% vào năm 2024 và tỷ lệ tái cấp vốn dự kiến sẽ duy trì ở mức 4,5% cho đến cuối quý III/2024. Trong khi đó, các chuyên gia cũng đề cập các yếu tố có thể ảnh hưởng đến lãi suất trong nước còn từ bối cảnh tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ vì việc này sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu dùng của các nền kinh tế thế giới, từ đó tác động đến năng lực tiêu thụ của hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Michael Kokalari, CFA - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường VinaCapital:

Nhiều yếu tố về tỷ giá và lãi suất tác động qua lại lẫn nhau

Lãi suất tiếp tục đi vào xu hướng giảm, nhưng vẫn có thể tăng trở lại
Ông Michael Kokalari

Cuối năm 2022, chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng Đô la Mỹ tăng vọt lên tới 20% so với đầu năm, khiến giá trị của tiền đồng Việt Nam giảm khoảng 9%. Điều này đã thúc đẩy NHNN nâng lãi suất điều hành thời điểm đó và sử dụng dự trữ ngoại hối để bảo vệ giá trị của đồng Việt Nam. NHNN đã nhiều lần thể hiện mong muốn điều tiết tỷ giá đồng Việt Nam so với Đô la Mỹ hàng năm ở mức 3% và lạm phát ở Việt Nam trung bình 3,2 - 3,3% trong cả năm 2022 và 2023. Vì vậy, biến động tỷ giá không phải do tác động bởi lạm phát trong hai năm qua.

Đầu năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất chậm, nhưng thặng dư thương mại tăng vọt từ khoảng 0% GDP trong nửa đầu năm 2022 lên 6%/GDP trong nửa đầu năm 2023 vì nhập khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu. Thặng dư tăng lên đã cho phép NHNN giảm lãi suất điều hành trong nửa đầu năm ngoái mà không gây áp lực quá mức lên giá trị của đồng Việt Nam.

Trong bối cảnh chung như vậy, lãi suất huy động của Việt Nam đã tăng cao một giai đoạn và quay lại mức thấp hơn khởi đầu chỉ trong 18 tháng kể từ giữa năm 2022. Biến động này là do áp lực từ tỷ giá của đồng Việt Nam so với Đô la Mỹ và điều này đã tác động lớn đến VN-Index và thị trường bất động sản, cũng như ảnh hưởng đến các yếu tố kinh tế, trong đó có tác động đến tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Hoàng Long (ghi)

TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính, Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh:

Lãi suất cho vay có thể giảm thêm trong ngắn hạn

Lãi suất tiếp tục đi vào xu hướng giảm, nhưng vẫn có thể tăng trở lại
TS. Nguyễn Hữu Huân

Lãi suất hiện đã giảm thấp hơn khá nhiều so với năm ngoái và tôi cho rằng lãi suất huy động đã đi vào vùng đáy khó giảm hơn nữa, còn lãi suất cho vay có thể giảm thêm được chút ít nữa.

Diễn biến này có thể sẽ kéo dài đến qua Tết Âm lịch, nhưng trong trung hạn diễn biến lãi suất tăng hay giảm hoặc đi ngang sẽ phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới.

Ngoài ra, động thái của FED cũng là yếu tố quan trọng có thể có ảnh hưởng, quan điểm của FED trước nay họ thường ưu tiên trong việc kiểm soát lạm phát nên nếu lạm phát còn cao thì có thể FED sẽ vẫn neo lãi suất ở mức cao. Trong khi đó, trường hợp lạm phát hạ nhiệt thì chính sách của FED có thể sẽ đi theo xu hướng “hạ cánh mềm”, tức đưa lãi suất vào chu kỳ giảm từ từ và điều này có thể có tác động kích kinh tế tăng trưởng và phục hồi các nhu cầu tiêu dùng.

Với nền kinh tế trong nước, ngoài các yếu tố kinh tế khác thì lạm phát cũng là một trong những yếu tố cần quan tâm. Giai đoạn tới lạm phát có thể chịu áp lực tăng trở lại vì NHNN đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong một thời gian dài, tuy nhiên sẽ phải từ đầu quý II mới có thể có những biểu hiện rõ ràng.

Chi Tín (ghi)