Khách hàng chọn mua đồ tại một khu chợ ở Berlin, Đức. |
Theo báo cáo sơ bộ của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết, tỷ lệ lạm phát tại quốc gia này giảm xuống mức 6,1% trong tháng 5 vừa qua, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022. Trước đó, lạm phát tại Đức được ghi nhận mức 7,2% trong tháng 4/2023.
Giá năng lượng được ghi nhận giảm 2,6% trong tháng 5 nhờ các nỗ lực của Chính phủ nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine khiến giá năng lượng tăng cao. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Đức cũng giảm trong tháng vừa qua. Theo Cơ quan Lao động Liên bang Đức, mặc dù nền kinh tế suy yếu, thị trường lao động nhìn chung vẫn ổn định. Số người thất nghiệp ở Đức đã giảm xuống còn 2,544 triệu người trong tháng 5/2023, thấp hơn 42.000 người so với tháng 4, nhưng nhiều hơn 284.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Tại Pháp, các số liệu báo cáo sơ bộ cho thấy lạm phát giá tiêu dùng tại quốc gia này cũng đã chậm lại trong tháng vừa qua khi chỉ còn 5,1%, giảm so với mức 5,9% của tháng trước đó và giảm so với dự đoán của thị trường mở mức 5,5%.
Trong khi đó, số liệu công bố trước đó ở Tây Ban Nha cho thấy, lạm phát của nước này đã giảm từ 4,1% trong tháng 4, còn 3,2% trong tháng 5 nhờ chi phí nhiên liệu giảm.
Số liệu của Italy công bố ngày 31/5 cho thấy, tăng trưởng giá của nước này trong tháng 5/2023 cũng giảm từ 8,2% của tháng 4, còn 7,6%. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% đề ra.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Luis de Guindos, đây là những thông tin tích cực, song còn quá sớm để tuyên bố khu vực này đã chiến thắng lạm phát. Trước đó, ngày 4/5, Ngân hàng ECB đã công bố quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%, lên mức 3,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 7 liên tiếp của ECB kể từ tháng 7/2022 để ứng phó với lạm phát cao kéo dài. Trong các dự báo gần đây nhất, ECB cho rằng lạm phát tại Eurozone sẽ ở mức trung bình 5,3% vào năm 2023, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% mà ngân hàng đề ra. Sau đó, lạm phát dự báo sẽ giảm xuống 2,9% vào năm 2024 và 2,1% vào năm 2025.
Như vậy, ECB đã tăng lãi suất tổng cộng 3,75% kể từ tháng 7/2022. Tuy nhiên, bất chấp việc tăng lãi suất liên tục, lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ECB. Do vậy, nhiều khả năng ECB sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách này để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh áp lực giá cả và tiền lương tăng cao.
Ngày 31/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố số liệu cho thấy, lạm phát của nền kinh tế đầu tàu thế giới trong những tuần gần đây cũng đã chậm lại. Theo báo cáo, giá cả tại Mỹ tăng vừa phải trong bối cảnh tốc độ tăng giá chậm lại ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, lạm phát vẫn ở mức cao so với mức mục tiêu 2% mà FED đề ra.
"Lạm phát đã hạ nhiệt phần nào kể từ giữa năm ngoái, nhưng áp lực lạm phát vẫn cao, con đường đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% còn rất dài" - Chủ tịch FED Jerome Powell nhận định. Ông Powell cho biết, các biện pháp kiểm soát giá cả vẫn sẽ tiếp tục được duy trì. Chủ tịch FED cũng cho biết, cơ quan này chưa có quyết định cuối cùng về việc có ngừng tăng lãi suất hay không nhưng vẫn sẽ tiếp tục tăng nếu thấy cần thiết trong thời gian tới./.