cpi

Giá thực phẩm dự báo sẽ hạ nhiệt, từ đó hỗ trợ chỉ số lạm phát năm 2020.

Về lý thuyết, dịch bệnh Covid-19 đang gây ra cả cú sốc cung và cầu cho nền kinh tế. Tuy nhiên, từ góc độ CPI hạ nhiệt thì có thể thấy, tác động từ cú sốc cầu đang có phần lấn át cú sốc cung. Vì thế, nhiều khả năng, lạm phát năm nay sẽ dưới ngưỡng 4% và đây là tiền đề quan trọng để giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lạm phát hạ nhiệt do ảnh hưởng của dịch bệnh

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số lạm phát chung đạt 5,6% trong quý I/2020, cao hơn mức 4,9% của cùng kỳ 2019. Lạm phát lõi cũng ghi nhận ở mức 3,1% - mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Lý giải về điều này, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, biến động CPI tăng chủ yếu do nhu cầu về nhiều loại mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm giá các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc, giá các mặt hàng thuốc y tế, điện sinh hoạt và nước sinh hoạt tăng cao.

Tuy vậy, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, mặc dù CPI bình quân còn ở mức khá cao nhưng so với mức đỉnh (tăng 6,43%) vào thời điểm cuối tháng 1/2020 thì những mức tăng trên đã hạ nhiệt đáng kể. Theo đó, sau khi tăng mạnh trong các tháng cuối năm 2019, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung thực phẩm dồi dào đã khiến mức tăng của chỉ số CPI dần có xu hướng hạ nhiệt trong 2 tháng cuối quý I. Đặc biệt, mức giảm của CPI trong tháng 3 là tương đối mạnh (-0,72%).

BVSC phân tích thêm, trong mức giảm 0,72% của chỉ số CPI tháng 3/2020, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó: Nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 4,87%, chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giảm giá xăng, dầu, khiến riêng giá mặt hàng này giảm 9,83% (tác động làm CPI chung giảm 0,43%). Bên cạnh đó, giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cũng giảm 1,4% do nhu cầu đi lại, du lịch, lễ hội của người dân giảm mạnh bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Giảm giá mạnh thứ ba là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,43%), trong đó: lương thực tăng 1,09%; thực phẩm giảm 0,89%.

Ở chiều ngược lại, các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng bao gồm: thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,09%), thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,05%); giáo dục (tăng 0,04%); hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 0,16%).

Nhiều thuận lợi trong kiểm soát lạm phát

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): “Chúng tôi nhận thấy khả năng cao lạm phát sẽ sớm giảm xuống dưới ngưỡng 4% kể từ nửa sau của năm 2020 do ảnh hưởng tích cực từ sự lao dốc của giá dầu thô, sự điều hành và kiểm soát chặt chẽ giá thực phẩm và chương trình hỗ trợ giá điện”.

“Nhìn chung, diễn biến lạm phát đang đi đúng hướng. Đây là yếu tố trọng yếu trong bối cảnh sự ổn định kinh tế vĩ mô chung đang gặp nhiều thách thức” – VDSC nhấn mạnh.

Cũng theo các chuyên gia này, lạm phát sẽ được hưởng lợi từ nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ thông qua việc cắt giảm 10% tiền điện sinh hoạt và sản xuất để hạn chế tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 trong thời hạn 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6/2020. Đại bộ phận hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ khoản trợ cấp trên.

Nhìn chung, “Chính phủ - “bàn tay hữu hình”, đang nỗ lực để điều phối hoạt động kinh tế và chèo lái nền kinh tế qua cơn bão dịch bệnh hiện nay. Chúng tôi cho rằng, áp lực lạm phát đang đi đúng hướng và khả năng sẽ suy giảm đáng kể trong thời gian tới. Điều này sẽ trực tiếp mở rộng dư địa điều hành chính sách trong nửa cuối của năm 2020” – chuyên gia của VDSC cho hay.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI, CPI quý I/2020 so với cuối năm 2019 tăng 0,34% - đây là quý I có chỉ số CPI thấp nhất 5 năm. Ngoài giá dầu đã giảm rất sâu, giá thịt lợn nhiều khả năng cũng sẽ giảm nhờ dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế. Thực phẩm và nhiên liệu là 2 nhóm hàng hóa có tác động lớn đến CPI, nên CPI năm 2020 chắc chắn sẽ tăng thấp. “Lạm phát thấp là tiền đề quan trọng để giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng” – ông Nguyễn Đức Hùng Linh nhấn mạnh.

Các chuyên gia của VDSC cũng cho rằng, nỗ lực điều tiết thị trường bước đầu có kết quả khả quan khi các nhà sản xuất thịt lợn lớn trong nước cam kết cắt giảm giá bán đầu ra xuống 70.000 đồng/kg kể từ 1/4/2020. Do vậy, có cơ sở để kỳ vọng giá thịt lợn sẽ chính thức giảm từ 1/4 kể từ mức đỉnh trước đó và từ đó góp phần hỗ trợ kiểm soát chỉ số CPI.

Về lý thuyết, dịch bệnh Covid-19 đang gây ra cả cú sốc cung và cú sốc cầu cho nền kinh tế. Tuy nhiên, từ góc độ CPI hạ nhiệt thì có thể thấy, tác động từ cú sốc cầu đang có phần lấn át cú sốc cung. Theo đánh giá của BVSC, lạm phát trong tháng 4 có thể sẽ còn tiếp tục giảm do quyết định giảm mạnh giá xăng dầu của Bộ Công thương. “Với tỷ trọng chiếm gần 5% trong rổ tính CPI, chúng tôi cho rằng chỉ tính riêng mức giảm 25% của giá xăng trong nước như trên có thể tác động khiến CPI tháng 4 giảm trên 1% so với tháng 3. Ngoài ra, việc giảm giá điện trong thời gian tới cũng sẽ góp phần giảm chỉ số CPI” – chuyên gia của BVSC cho hay.

Diễn biến bất ngờ từ dịch Covid-19 khiến giá các mặt hàng hạ nhiệt nhanh chóng so với cuối năm 2019, đặc biệt là giá xăng dầu, thực phẩm, điện, văn hóa, du lịch và giải trí. Thậm chí, giá các nhóm hàng do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục nhiều khả năng cũng sẽ được hoãn lộ trình tăng giá trong năm nay. Chính vì vậy, BVSC đã điều chỉnh dự báo lạm phát trung bình cho cả năm 2020 sẽ ở mức 3 - 3,5% (thay cho mức 4% trong các dự báo trước đây). Trong khi đó, dự báo lạm phát theo năm vào thời điểm cuối năm 2020 cũng được điều chỉnh về mức 2 - 2,5% (thay cho mức 3,2 - 3,6% trước đây).

Chu Thái