thuy san

Thủy sản là một trong những ngành hàng đang tận dụng hiệu quả nhất cơ hội xuất khẩu EU. Ảnh: TL

Cấp gần 24.000 bộ C/O với kim ngạch 963 triệu USD sang EU

Theo thống kê mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tính đến ngày 12/10, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho trên 660 lô hàng với trị giá khoảng 2 triệu USD.

Thống kê cho thấy, các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 gồm giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,...

Điển hình như giày dép có giá trị được cấp C/O sau 2 tháng (tháng 8 và 9) đạt gần 391 triệu USD; thủy sản đạt hơn 183 triệu USD, nhựa và sản phẩm nhựa đạt hơn 49 triệu USD, sản phẩm dệt may đạt hơn 27 triệu USD,...với các nước xuất khẩu chính vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống như Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ và Ba Lan.

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), so với các FTA khác của Việt Nam mới có hiệu lực và đi vào thực thi trong thời gian gần đây như Hiệp định CPTPP, FTA giữa ASEAN và Hongkong, Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Cuba… thì số lượng C/O mẫu EUR.1 cấp trong thời gian đầu Hiệp định EVFTA có hiệu lực lớn hơn nhiều. Tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 trong tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8/2020 đạt 8,64% và tăng lên 14,65% vào cuối tháng 9/2020.

“Có thể thấy, lợi ích lớn nhất mà EVFTA mang lại cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đó là mức độ cam kết cắt giảm thuế quan cao với 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 - 10 năm. Con số cấp C/O mẫu EUR.1 sau gần 2 tháng rưỡi thực thi Hiệp định EVFTA đã cho thấy mức độ quan tâm, sự chủ động linh hoạt nắm bắt cơ hội và đáp ứng tương đối tốt các điều kiện C/O để tận dụng ưu đãi thuế quan của doanh nghiệp nước ta”, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh tại Hội nghị “Đánh giá công tác thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA”, được tổ chức ngày 17/10 vừa qua. Hội nghị “Đánh giá công tác thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA”.

Khi chờ đợi lộ trình ưu đãi trong EVFTA, chớ quên GSP

Trao đổi với phóng viên, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp da giày đã tích cực tìm hiểu thông tin về ưu đãi và điều kiện hưởng ưu đãi trong EVFTA. Sau một tháng thực thi hiệp định này, đến tháng 9/2020 nhiều doanh nghiệp da giày đã đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu khả quan hơn. Hiện nay, ngành da giày đang triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh để có thể áp ứng các đơn hàng cho các đối tác EU những tháng cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021.

Theo các chuyên gia kinh tế, trên thực tế, đến nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác sâu thị trường EU, việc tận dụng cơ hội trong EVFTA cũng chỉ mới ở bước đầu. Để hiệu quả hơn nữa thì doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ, “tận gốc” quy định về các hàng rào phi thuế quan của EU.

Cục Xuất nhập khẩu cho hay, hiện EU vẫn dành chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam nhưng đây là ưu đãi đơn phương phụ thuộc vào EU, còn EVFTA là ưu đãi song phương giữa Việt Nam và EU. Quy tắc xuất xứ của GSP và quy tắc xuất xứ của EVFTA gần như nhau đối với các mặt hàng như thủy sản, dệt may, da giày... Tuy nhiên, vẫn có một số hàng hóa, nếu theo EVFTA, theo lộ trình phải 3 năm thuế mới về 0%. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp vẫn có thể áp dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa theo GSP thông qua việc trao đổi cụ thể, cặn kẽ với đối tác để biết sản phẩm áp dụng mẫu quy tắc xuất xứ (C/O) theo mẫu nào nhằm có hướng tận dụng ưu đãi về thuế quan hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, do quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA yêu cầu sự tham gia lớn của nguồn nguyên liệu trong khu vực FTA, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực hoặc phát triển các nguồn nguyên liệu từ trong nước; chủ động tìm hiểu, tham gia các hoạt động tập huấn chuyên sâu để có thể hiểu rõ, hiểu đúng các quy định về quy tắc xuất xứ, tự tin áp dụng.

Đồng thời, doanh nghiệp cần có hệ thống lưu trữ chứng từ đầy đủ để chứng minh được xuất xứ hàng hóa khi có yêu cầu hậu kiểm, đảm bảo hiệu quả công tác xác minh xuất xứ, giúp C/O được hải quan EU chấp nhận và hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA.

Đặc biệt, theo các chuyên gia và đại diện hiệp hội, ngành hàng, về lâu dài nước ta cần phát triển công nghiệp hỗ trợ để giải quyết triệt để khâu nguồn gốc xuất xứ cho hàng xuất khẩu. Về câu chuyện này, tại cuộc họp báo thường kỳ vừa diễn ra ngày 17/10, ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) thông tin, thời gian qua, Bộ Công thương đã nỗ lực thúc đẩy sản xuất công nghiệp hỗ trợ để tăng cường tính tự chủ cho các ngành sản xuất trong nước, hạn chế tác động của đứt gãy nguồn cung.

“Bộ Công thương vừa trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và nghị quyết về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, trình và dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ ban hành nghị quyết về các giải pháp phát triển ngành cơ khí Việt Nam...Đây là các nền tảng pháp lý để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian sắp tới”, ông Thành chia sẻ thêm./.

Tố Uyên