Lợi ích kép khi doanh nghiệp được ưu tiên về hải quan ở nhiều quốc gia
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp ưu tiên chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch của cả nước. Ảnh tư liệu

PV: Xin ông cho biết sơ lược về chính sách hải quan dành cho doanh nghiệp ưu tiên hiện nay và kết quả áp dụng Chương trình doanh nghiệp ưu tiên thời gian qua?

Ông Phạm Hà Linh: Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình doanh nghiệp ưu tiên của Hải quan Việt Nam, đã cho thấy nhiều mặt tích cực, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng vị thế quốc gia trong cộng đồng quốc tế.

Chính sách hải quan dành cho doanh nghiệp ưu tiên hiện nay được quy định rất cụ thể tại Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, để được áp dụng chế độ ưu tiên, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế; kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu tối thiểu; có thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử... Đồng thời, cũng phải đảm bảo các điều kiện về hệ thống kiểm soát nội bộ và chấp hành tốt pháp luật về kế toán, kiểm toán.

Sau khi đáp ứng các điều kiện và được Tổng cục Hải quan công nhận doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp sẽ được miễn kiểm tra chứng từ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; thông quan bằng tờ khai chưa hoàn chỉnh; ưu tiên thứ tự làm thủ tục hải quan; ưu tiên về thủ tục hải quan đối với hàng hóa kiểm tra chuyên ngành…

Đây là một chương trình mà cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn được tham gia. Và cũng là bước tiến quan trọng để Việt Nam có cơ sở tiến tới việc đàm phán, ký kết các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau với Hải quan các nước.

PV: Hải quan Việt Nam cùng lãnh đạo các nước ASEAN đã ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên. Xin ông cho biết thêm về nội dung này?

Lợi ích kép khi doanh nghiệp được ưu tiên về hải quan ở nhiều quốc gia

Ông Phạm Hà Linh: Việt Nam và các nước ASEAN đã hoàn tất ký kết Thỏa thuận vào tháng 9/2023. Các nước tham gia ký kết thỏa thuận bao gồm: Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Hiện nay, các nước thành viên ASEAN đang triển khai các bước thẩm định, thí điểm theo lộ trình của Thỏa thuận và dự kiến Thỏa thuận sẽ được triển khai chính thức vào tháng 4/2025.

PV: Ngoài việc ký kết thỏa thuận lẫn nhau với các nước ASEAN, Hải quan Việt Nam đang thúc đẩy việc ký thỏa thuận công nhận doanh nghiệp ưu tiên với những quốc gia nào khác? Và khi triển khai Thỏa thuận, việc thực hiện thủ tục hải quan của các doanh nghiệp được công nhận ưu tiên sẽ có gì khác?

Ông Phạm Hà Linh: Hiện nay, ngoài việc ký kết thỏa thuận lẫn nhau với các nước ASEAN, Hải quan Việt Nam đang thúc đẩy việc ký thỏa thuận công nhận doanh nghiệp ưu tiên với một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc… Cũng có rất nhiều quốc gia đang đặt vấn đề về việc ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên với Việt Nam như Arab Saudi, Ấn Độ, Nga…

Sau khi Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên trong ASEAN được triển khai, các nước thành viên sẽ chấp nhận và công nhận Chương trình doanh nghiệp ưu tiên mà các nước thành viên khác đang áp dụng đối với các doanh nghiệp của họ.

Cụ thể, doanh nghiệp ưu tiên của các nước tham gia ký kết sẽ được ưu tiên thông quan nhanh chóng bằng cách giảm việc kiểm tra hồ sơ và/hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa, tùy thuộc vào việc đánh giá mức độ rủi ro an ninh; ưu tiên kiểm tra trước đối với hàng hóa được lựa chọn để kiểm tra thực tế. Trong trường hợp có sự gián đoạn đối với thương mại quốc tế, cố gắng ưu tiên thông quan nhanh cho hàng hóa của các nước tham gia ký kết Thỏa thuận.

PV: Theo ông đánh giá, việc thực hiện Thỏa thuận này có tác động như thế nào đối với sự phát triển của thương mại Việt Nam?

Việc ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên với hải quan các nước ASEAN hứa hẹn sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước ASEAN nói chung và với các doanh nghiệp ưu tiên nói riêng.

Theo đó, các doanh nghiệp ưu tiên của Việt Nam khi xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường ASEAN sẽ được hưởng các ưu tiên về thủ tục hải quan theo như thỏa thuận. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam (không phải là doanh nghiệp ưu tiên) khi xuất nhập khẩu hàng hóa với các doanh nghiệp ưu tiên của các nước ASEAN cũng sẽ được hưởng ưu tiên, ưu đãi theo thỏa thuận. Điều này không chỉ mang lại giảm thời gian, chi phí thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp trong nước khi xuất nhập khẩu hàng hóa với các nước ASEAN, mà còn góp phần tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Để tận dụng lợi ích từ các thỏa thuận này, các doanh nghiệp ưu tiên của Việt Nam có thể nghiên cứu xem xét tìm kiếm các nhà cung cấp cũng như khách hàng tại các nước tham gia ký kết thỏa thuận.

PV: Xin cảm ơn ông!

75 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên

Hiện nay, cả nước có 75 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên. Trong đó có 24 doanh nghiệp Việt Nam, 16 doanh nghiệp Hàn Quốc, 15 doanh nghiệp Nhật Bản, còn lại là các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Đài Loan, Ý, Đan Mạch, Trung Quốc… Theo thống kê của ngành hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp ưu tiên chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch của cả nước.