Soi đường đến thành công

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) phát biểu tại diễn đàn Quốc hội (QH) khi đó rằng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã lập nên chiến công thần kỳ trong chống dịch. Nếu so sánh thực chất trang thiết bị y tế thì Việt Nam còn nhiều khó khăn hơn so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng đã chống dịch thành công, đã làm nên hình ảnh, thương hiệu Việt Nam an toàn, nghĩa tình, thân thiện, hấp dẫn; hấp dẫn từ đất nước và con người, hấp dẫn từ những nụ cười chiến thắng đến tà áo dài thướt tha…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, ngày 11/11/2018.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, ngày 11/11/2018.

“Với phương châm trên hết, trước hết vì sức khỏe nhân dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hiệu triệu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chống dịch. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh chống dịch như chống giặc, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Hàng triệu người trên dưới một lòng đoàn kết quyết liệt chống dịch, từ các cụ già đến các em nhỏ cùng chung tay và không người Việt Nam lương tri nào không cùng chung tay” - đại biểu Hưng quả quyết - “Phải chăng chính văn hóa đó, trên gương mẫu, xung phong, nói đi đôi với làm, dưới lòng dân không ngại gian khổ khó khăn đã soi đường dẫn ta đến thành công. Dân tộc ta đã đang và sẽ có sức mạnh vô địch về văn hóa”.

Cho rằng khai thác và phát huy có hiệu quả tài nguyên vô giá này chắc chắn giúp dân tộc Việt Nam phát triển mạnh mẽ, không tụt hậu trong khu vực và trên thế giới, ông Nguyễn Quốc Hưng khẳng định văn hóa không chỉ là sức mạnh mềm mà còn là nguồn vật chất lớn lao phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở các nước có nền văn hóa lâu đời, đặc sắc như Việt Nam.

Văn hóa được coi là một sức mạnh nền tảng trong mọi tiến trình dựng nước và giữ nước.
Văn hóa được coi là một sức mạnh nền tảng trong mọi tiến trình dựng nước và giữ nước.

Hơn một năm sau, cũng tại Nghị trường, vẫn tiếp tục câu chuyện phát triển văn hóa, lần này, đại biểu QH còn nóng lòng gấp bội khi làn sóng thứ 4 đã cuốn đi bao niềm hân hoan. Muốn đưa điều thần kỳ quay trở lại, không còn cách nào khác là phải tạo nên khí thế mới hừng hực: Phải có công cuộc chấn hưng văn hóa. Chưa cần vội bàn công cuộc này đem đến bao nhiêu con số phần trăm cho tăng trưởng GDP, mà ngay lúc này, chỉ có ngọn lửa đó mới thổi bùng lên khát vọng, vốn đang trở nên mỏi mệt vì đại dịch.

Thực sự là sức mạnh nội sinh

Ngày 24/11/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và một số bộ, ngành. Theo dự kiến, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ủy viên Bộ Chính trị sẽ tham dự hội nghị, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với văn hóa, coi văn hóa là động lực của phát triển, là nguồn cảm hứng chủ đạo cho khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.

Vì sự trường tồn của dân tộc

Ngay từ ngày thành lập nước (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có 4 vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau là: chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội”. Và đúng 75 năm trước, ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất đã được tổ chức tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.

Xuyên suốt hơn 7 thập kỷ qua, cùng với chính trị và kinh tế, văn hóa Việt Nam giữ một vai trò và vị trí trọng yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, sau 35 năm đổi mới toàn diện, đồng bộ, đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thì việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngang tầm công cuộc phát triển đất nước nhanh và bền vững, trong tầm nhìn tới năm 2045, càng trở thành đòi hỏi cấp bách.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có trăn trở rằng: “Khi chúng ta hội nhập sâu vào kinh tế thị trường thì cái lo của chúng ta là có giữ được văn hóa không?”. Theo ông, đây không là việc dễ dàng, nhưng vì sự trường tồn của dân tộc, phải quyết giữ. Trải qua hàng ngàn năm văn hiến, văn hóa được coi là một sức mạnh nền tảng trong mọi tiến trình dựng nước và giữ nước. Bản sắc văn hóa là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc. Dân tộc nào gìn giữ được bản sắc của mình thì dân tộc đó mãi mãi trường tồn.

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ: "Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Theo người đứng đầu Đảng: “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”.

6 bước để hùng cường

Một trong 6 bước để hùng cường đã được Trung ương Đảng xác định là phát triển công nghiệp văn hóa. Nghị quyết số 33, ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nêu rõ để xây dựng một Việt Nam hùng cường thì phải phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam.

Hiện thực hóa Nghị quyết, ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 1755 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, đặt mục tiêu quy mô doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đạt khoảng 4,6 tỷ USD năm 2020 và 12 tỷ USD năm 2030. Ngày 12/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1909/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, xác định mục tiêu đến năm 2030, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.

Tuy nhiên, đây vẫn là con số khá khiêm tốn nếu so với tiềm năng văn hóa đặc biệt phong phú của Việt Nam. Chỉ tính di sản văn hóa, tính đến năm 2020, cả nước có 28 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh, trở thành tài sản di sản chung của văn hóa nhân loại. Như Quần thể Di tích Cố đô Huế chỉ trong vòng 10 năm, tổng thu du lịch tăng trên 5 lần, từ 96.000 tỷ đồng năm 2010 lên 720.000 tỷ đồng năm 2019, trung bình tăng 26,9%, đóng góp trên 7 – 8% GDP và tác động lan tỏa trên 13,9% GDP.