Gần 9.000 gói thầu được đấu thầu qua mạng trong 7 tháng Giá Mua sắm thiết bị phòng dịch: Chủ đầu tư được toàn quyền quyết định Đảm bảo các quy định của Nhà tài trợ ADB và Luật Đấu thầu

Theo dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, Luật Đấu thầu (sửa đổi) bao gồm 13 chương, 98 điều. Trong đó sửa đổi 72 điều, bổ sung 15 điều và giữ nguyên 11 điều với các nhóm chính sách xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu, các luật có liên quan và điều ước, thỏa thuận quốc tế về ODA vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu.

Một trong những nội dung sửa đổi quan trọng của luật là mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật theo hướng bổ sung hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, gồm: dự án đầu tư xây dựng các công trình, khu đô thị, công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng (gồm: nhà ở thương mại, trụ sở, văn phòng làm việc, công trình thương mại, dịch vụ); dự án đầu tư khác phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật.

Dự thảo cũng làm rõ cơ chế tổ chức lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước theo các phương án; quy định cụ thể các hoạt động đấu thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu thầu.

Luật Đầu thầu

Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định: tổ chức, cá nhân có hoạt động đấu thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu có thể chọn áp dụng luật này nhưng phải xác định cụ thể các điều, khoản, điểm sẽ thực hiện theo quy định của luật này; bổ sung nguyên tắc áp dụng luật theo hướng: Trường hợp pháp luật khác có quy định về hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thì trình tự chuẩn bị thực hiện và tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phải tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu.

Liên quan đến các hình thức đầu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết quy định về mua sắm trực tiếp trong Luật Đấu thầu năm 2013 có thể dẫn đến hiện tượng chủ đầu tư lạm dụng để áp giá cao, gây thất thoát, lãng phí. Do đó, dự thảo luật bổ sung quy định về “tùy chọn mua thêm”, để tạo cơ sở pháp lý cho các chủ đầu tư mua thêm hàng hóa đã trúng thầu trước đó, nhằm tiết kiệm thời gian, tổ chức lựa chọn nhà thầu, tăng hiệu quả kinh tế trong đấu thầu, đồng thời tránh việc chủ đầu tư áp giá cao khi mua sắm trực tiếp.

Theo đó, Điều 22 dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đề xuất theo một trong hai phương án: phương án 1 bãi bỏ quy định về hình thức mua sắm trực tiếp. Phương án 2, sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức mua sắm trực tiếp đã quy định trong Luật Đầu thầu năm 2013 nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên.

Bên cạnh đó, dự thảo đưa nội dung quy định quản lý nhà nước về đấu thầu; trách nhiệm của các bên có liên quan và các hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập; dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời, dự thảo hoàn thiện quy định về đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi nhóm lao động yếu thế nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.