Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn “Đấu thầu qua mạng Việt Nam” tổ chức ngày 8/8, tại Hà Nội.
Ông Vũ Đại Thắng – Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, hình thức ĐTQM được thử nghiệm trong 6 năm (từ năm 2009) và chính thức được triển khai trên toàn quốc từ năm 2016. Khi thực hiện ĐTQM, toàn bộ quy trình từ đăng tải kế hoạch hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu và hồ sơ mời thầu, nhận hồ sơ dự thầu đến thông báo kết quả trúng thầu đều được thực hiện qua mạng.
Theo thống kê của Trung tâm đấu thầu qua mạng quốc gia, kể từ khi thực hiện ĐTQM đến nay, tổng số gói thầu được tổ chức thực hiện qua mạng là 23.000 gói thầu. Trong đó, riêng 7 tháng năm 2018, đã có gần 9.000 gói thầu được áp dụng ĐTQM, chiếm khoảng 18% trong tổng số tất cả các gói thầu đã thực hiện trong 7 tháng năm 2018. Đây là một tỷ lệ rất cao, bởi so với năm 2017, tổng số gói thầu được áp dụng ĐTQM chỉ đạt 11% trong tổng số tất cả các gói thầu đã thực hiện. Năm 2016, tỷ lệ ĐTQM chỉ đạt 5%.
|
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Thiện Trần |
Cũng theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, việc áp dụng ĐTQM đem lại rất nhiều lợi ích. Cụ thể, ĐTQM giúp nâng cao tính công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng và hiệu quả kinh tế trong công tác đấu thầu. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiết kiệm đạt được trong ĐTQM lên tới 9% khi các thao tác được thực hiện hoàn toàn qua mạng, qua đó ĐTQM giúp các bên tham gia tiết kiệm được thời gian, chi phí và nhân sự thực hiện công tác đấu thầu.
Đặc biệt, ĐTQM có thể giảm thiểu các hành vi tiêu cực như gian lận, thông đồng hay cản trở xảy ra trong hoạt động đấu thầu. Ngoài ra, khi tham gia ĐTQM, thông tin về số lượng, danh tính các nhà thầu nộp thầu đều được bảo mật tuyệt đối trước thời điểm mở thầu.
Ông Thắng cũng cho biết, mục tiêu đặt ra của công tác ĐTQM theo Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ là rất thách thức. Cụ thể, đến năm 2025, 100% các thông tin đấu thầu phải đăng tải công khai trên hệ thống, 100% hoạt động mua sắm thường xuyên phải ĐTQM và tối thiểu 70% các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu phải thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (VNEPS).
“Để hiện thực hóa được những mục tiêu trên, trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, tăng cường đầu tư để hoàn thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật VNEPS. Song song với đó, Bộ KH&ĐT cũng sẽ tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên tham gia công tác quản lý ĐTQM. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền phổ biến về lợi ích, sự cần thiết của hình thức ĐTQM đến các đối tượng tham gia như chủ đầu tư, các nhà thầu, bên mời thầu, cơ quan quản lý nhà nước….” – Thứ trưởng Vũ Đại Thắng chia sẻ.
Từ góc độ chuyên gia, ông Alexander Fox – Chuyên gia đấu thầu cao cấp, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chia sẻ, ADB đặc biệt khuyến khích Việt Nam hiện đại hóa hệ thống đấu thầu điện tử quốc gia. Đồng thời, ADB cùng với Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ hỗ trợ mạnh mẽ Chính phủ Việt Nam thực hiện các cải tiến và thúc đẩy việc thực hiện đấu thầu qua mạng thông qua VNEPS của Việt Nam. Sau khi thử nghiệm thành công một số gói thầu trong dự án của hai ngân hàng trên VNEPS, ADB và WB sẽ nhân rộng việc thực hiện ĐTQM cho các gói thầu mua sắm hàng hóa và xây lắp thực hiện đấu thầu cạnh tranh rộng rãi trong nước ở các dự án có sử dụng nguồn vốn của ADB và WB./.
Diệu Thiện