Thông tư quy định: Mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm. Đối với khoán bảo vệ rừng ven biển, mức hỗ trợ tối đa bằng 1,5 lần mức hỗ trợ bình quân. Kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng 50.000 đồng/5 năm. Việc hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng chỉ thực hiện 1 lần trước khi tiến hành khoán bảo vệ rừng.

Hỗ trợ bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng cụ thể như sau: Công ty lâm nghiệp: 300.000 đồng/ha/năm; ban quản lý rừng, UBND cấp xã: 100.000 đồng/ha/năm; hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức được Nhà nước giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên: 300.000 đồng/ha/năm.

Mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm
Hỗ trợ 40 triệu đồng/năm cho cộng đồng dân cư vùng đệm khu rừng đặc dụng.

Ngoài ra, thực hiện hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, bản/năm cho cộng đồng dân cư thuộc vùng đệm của các khu rừng đặc dụng, bao gồm: các cộng đồng dân cư thôn, bản cư trú hợp pháp trong khu vực có ranh giới tự nhiên tiếp giáp với rừng đặc dụng hoặc nằm trong rừng đặc dụng.

Thông tư cũng nêu cụ thể một số mức chi hoạt động đặc thù, bao gồm: chi công tác phí, hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017; chi đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, thực hiện theo quy định tại Thông tư 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018; chi ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn, thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; chi kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện chương trình, theo quy định tại Thông tư 06/2007/TT-BTC ngày 26/1/2007…

Việc kiểm soát chi và tạm ứng thanh toán thực hiện theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực kho bạc nhà nước và Thông tư số 62/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua kho bạc nhà nước.

Đối với chi hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm các khu rừng đặc dụng theo quy định tại Thông tư này, kho bạc nhà nước kiểm soát chi trên cơ sở dự toán kinh phí hỗ trợ phát triển cộng đồng được cấp có thẩm quyền giao cho ban quản lý rừng đặc dụng; nội dung chi đã được thủ trưởng của ban quản lý rừng đặc dụng hoặc người được ủy quyền quyết định chi.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/6/2023./.