Mức phạt kỉ lục 6 tỉ USD cho các ngân hàng lớn về tội thao túng tỷ giá

Citicorp bị phạt 925 triệu USD, mức phạt hình sự cao nhất, thêm 342 triệu USD trả cho Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). - Ảnh: Reuters

Cả 5 ngân hàng này, cùng với Bank of America bị phạt mức phạt kỉ lục gần 6 tỷ USD.

Cả 5 ngân hàng trên bị các nhà chức trách ở cả Anh và Mỹ buộc tội lừa dối các khách hàng để tăng lợi nhuận, bằng cách sử dụng những phòng trò chuyện (chat room) giành riêng cho những ai được mời và mật mã hóa ngôn ngữ để phối hợp giao dịch.

Trừ ngân hàng Thụy Sĩ UBS, bốn ngân hàng còn lại đều thú nhận đã thao túng giá đô la Mỹ và euro trên các thị trường ngoại tệ giao ngay (FX spot market). UBS thừa nhận một tội khác.

Bank of America Corp cũng bị phạt nhưng tránh được phải nhận tội về những hành vi của các giao dịch viên ngân hàng này trong các chat room.

“Mức phạt cho tất cả các ngân hàng này là phù hợp nếu xét tính chất lâu dài và nghiêm trọng của hành vi phản cạnh tranh của họ”, bà Loretta Lynch, Tổng chưởng lý Mỹ cho biết tại một cuộc họp ngày hôm qua tại Washington.

Các hành vi vi phạm pháp luật này đã xảy ra cho đến tận năm 2013, sau khi các nhà chức trách bắt đầu trừng phạt các ngân hàng vì hành vi thao túng lãi suất Libor (lãi suất liên ngân hàng trên thị trường London). Các ngân hàng sau đó đã cam kết cải tổ văn hóa doanh nghiệp và tăng cường sự tuân thủ pháp luật.

Tổng cộng, các cơ quan chức năng của Mỹ và châu Âu đã phạt 7 ngân hàng hơn 10 tỷ USD vì đã không ngăn cản các giao dịch viên của mình thao túng tỷ giá ngoại hối.

Tuy nhiên, các cuộc điều tra có lẽ còn chưa kết thúc. Các công tố viên có thể khởi tố các cá nhân với lý do các ngân hoàng đã cam kết sẽ hợp tác trong vấn đề này như một phần trong các thỏa thuận với các cơ quan chức năng.

Các chính quyền liên bang và tiểu bang đang tiến hành điều tra cách thức mà các ngân hàng lợi dụng việc kinh doanh ngoại hối điện tử để làm lợi cho mình trên các khoản chi phí của các khách hàng.

Trong 5 ngân hàng thì Barclays của Anh chịu mức phạt kỷ lục là 2,4 tỷ USD. Nhân viên của ngân hàng này vẫn tiếp tục tham gia vào các hoạt động bán hàng sai trái, bất chấp cam kết của CEO ngân hàng Antony Jenkin là sẽ loại bỏ hình thức kinh doanh thưởng cao cho những rủi ro cao.

Citicorp bị phạt 925 triệu USD, mức phạt hình sự cao nhất, thêm 342 triệu USD trả cho Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Các giao dịch viên của ngân hàng này đã tiến hành hành vi thao túng từ đầu tháng 12/2007 cho đến cuối tháng 1/2013.

Với hành vi phạm tội diễn ra từ tháng 7/2010 cho đến tháng 1/2013, mức phạt hình sự của JPMorgan Chase là 550 triệu USD và phải trả cho Fed 342 triệu USD.

UBS là ngân hàng đầu tiên báo cáo hành vi gian lận này cho các nhà chức trách Mỹ. Ngân hàng này cũng nhận tội và trả mức phạt 203 triệu USD về tội thao túng lãi suất Libor và 342 triệu USD cho Fed về hành vi thao túng tỷ giá.

Ngân hàng The Royal Bank of Scotland chịu mức phạt hình sự là 395 triệu USD và 274 triệu USD trả cho Fed.

Các ngân hàng thú tội đã đàm phán với các cơ quan quản lý để được miễn trừ các lệnh phạt làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của họ. Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ đã đồng ý cho JPMorgan và các ngân hàng thú tội khác được tiếp tục kinh doanh chứng khoán bình thường./.

Mai Hương (Theo Reuters)