Mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 là rất thách thức
Thị trường lao động đang dần phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: TL

PV: Ông có bình luận gì về con số tăng trưởng 6 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê công bố?

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 là rất thách thức
TS. Nguyễn Quốc Việt

TS. Nguyễn Quốc Việt: Nếu so với quý I/2023, bức tranh kinh tế Việt Nam trong quý II đã có một số dấu hiệu khởi sắc, tương đối sáng sủa.

Có thể thấy, so với tháng 4, tháng 5 thì sang tháng 6, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng và có sự nhích lên tương đối mạnh. Thu hút vốn FDI đã tăng tương đối mạnh nếu so với quý I/2023 và đầu quý II, với một số dự án tương đối lớn đang có ý định đầu tư tại Việt Nam. Điều đó cho thấy Việt Nam là điểm đến thu hút được dòng chảy dịch chuyển của nguồn vốn FDI. Cùng với đó là số lượng các doanh nghiệp có xu thế quay trở lại thị trường hoặc mới thành lập cũng đã khởi sắc.

Một điểm sáng nữa là sự ổn định của kinh tế vĩ mô, thể hiện ở việc 4 lần hạ lãi suất nhưng vẫn không làm bất ổn thị trường, không làm biến động nhiều và thanh khoản vẫn tương đối dồi dào. CPI ở mức thấp trong 6 tháng, khoảng trên 3,2%.

Mức tăng trưởng 4,14% trong quý II cũng tốt hơn nhiều so với quý I, giúp kéo GDP của 6 tháng đầu năm lên trên 3,2%. Con số tăng trưởng của quý II sẽ là điểm tựa để cho hai quý tiếp theo của năm 2023 lấy lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn những mảng tối trong bức tranh kinh tế. Trong vòng 13 năm trở lại đây, đây là nửa đầu năm tăng trưởng thấp thứ hai sau năm Covid 19, khiến mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 sẽ khó khăn hơn. Chỉ số quản trị mua hàng của nhà sản xuất vẫn ở mức thấp, chưa lên được mức 50 điểm, cho thấy bức tranh của hai quý còn lại chưa nhiều khởi sắc. Bên cạnh đó, cầu tiêu dùng vẫn thấp và có xu hướng đi xuống và trục hỗ trợ cho tăng trưởng từ tiêu dùng trong nước là một câu hỏi rất lớn cho 6 tháng cuối năm 2023.

PV: Theo ông, các yếu tố nào có thể sẽ là lực cản, hoặc động lực cho tăng trưởng của Việt Nam nửa cuối năm?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Thực ra, những khó khăn đã được định vị rất nhiều, những “cơn gió ngược” vẫn còn có sự ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có nền kinh tế Việt Nam. Động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm là đầu tư công, xuất khẩu, cầu tiêu dùng trong nước.

Sức cầu của thế giới vẫn còn rất thấp, nên việc chúng ta kỳ vọng vào sự hỗ trợ từ kinh tế đối ngoại hay xuất khẩu cũng không thể kỳ vọng quá lớn, mặc dù có nhích lên trong tháng 6 này so với thời gian đầu năm và cũng có một vài con số cho thấy dự báo tăng trưởng cao hơn ở một số nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, tăng trưởng của thế giới đặt kỳ vọng vào năm sau là chính, còn năm 2023, với những biến động và căng thẳng địa chính trị như hiện nay, dù có đỡ u ám hơn so với đầu năm nhưng khó hỗ trợ để Việt Nam đẩy nhanh xuất khẩu. Chưa kể, xuất khẩu của Việt Nam đang bị những rào cản thương mại mới hoặc cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ trong khu vực, nên nếu không tạo lực kéo, chúng ta còn có thể bị mất thêm thị phần khiến xuất khẩu càng thêm khó khăn.

Từ đó cho thấy, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam 2023 phụ thuộc vào hai động lực lớn, đó là: xúc tiến kích cầu trong nước và giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Vừa rồi, Chính phủ đã thực hiện một loạt những giải pháp từ chính sách nới lỏng tiền tệ cho đến giảm các loại thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ cho quá trình an sinh xã hội của người dân, kể cả gói 120.000 tỷ đồng phục vụ cho cho nhà ở xã hội. Với tất cả những giải pháp này, tôi hy vọng sẽ là một cấu phần để giúp kích thích cầu trong nước, từ đó cân bằng trở lại với việc thiếu hụt từ động lực xuất khẩu.

PV: Trước những diễn biến của kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm, theo ông, mục tiêu tăng trưởng 6,5% liệu có khả thi?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Như đã phân tích ở trên, chúng ta chỉ có thể kỳ vọng sang năm 2024 kinh tế Việt Nam sẽ có sự bứt phá, còn năm 2023 mức tăng trưởng mục tiêu 6,5% tôi cho rằng rất thách thức. Các tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam, xuống dưới 5,5%. VEPR dự báo tăng trưởng 2023 đạt từ 5,5 - 6%, với 3 kịch bản.

Cầu tiêu dùng khó trở thành động lực cho tăng trưởng

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, nhìn tổng thể thì sức cầu trong nước vẫn còn yếu và giảm so với những năm gần đây. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ sản xuất khó khăn có thể làm tăng tỷ lệ người lao động bị mất việc làm nên quý II và quý III sẽ có sự sụt giảm về tổng thu nhập của người lao động. Tất cả những yếu tố đó cho thấy, cầu tiêu dùng trong nước dù được kỳ vọng là động lực cho tăng trưởng nhưng cũng chỉ ở mức độ giới hạn.

Ở kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,01%, CPI bình quân của năm khoảng 4%. Đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất trong điều kiện các yếu tố bên ngoài: xung đột Nga - Ukraine, sự suy giảm kinh tế Trung Quốc, Mỹ cũng như các đối tác thương mại lớn của Việt Nam không gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam. Chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành linh hoạt, phù hợp, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định.

Ở kịch bản cao, lạc quan, tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 6,51%, CPI bình quân của năm khoảng 4,2%. Kịch bản này ít khả năng hơn, nhưng cũng có thể thành hiện thực khi kinh tế thế giới diễn biến tích cực, sự mở cửa của kinh tế Trung Quốc là cú huých quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. Các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam hồi phục kinh tế, cộng với các chính sách điều hành nhanh chóng phát huy hiệu quả

Còn trong kịch bản thấp, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ có thể đạt 5,5%, CPI bình quân của năm khoảng 3,5%. Kịch bản này tuy ít có khả năng xảy ra, nhưng nếu diễn biến xung đột địa chính trị trên thế giới trở nên phức tạp hơn, không những sẽ gây cản trở cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng còn lại của năm 2023, mà còn là hậu quả xấu cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chính sách tài khóa sẽ là "bệ đỡ" cho sự phục hồi sản xuất của doanh nghiệp

Đánh giá về một số chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng như giảm phí, lệ phí, giãn, hoãn nộp thuế, giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho nhiều mặt hàng...., TS. Nguyễn Quốc Việt cho biết, đây là nhóm chính sách mà ông kỳ vọng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho cả doanh nghiệp lẫn người dân.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, trước hết, những hỗ trợ này sẽ tháo gỡ khó khăn trước mắt cho người dân và doanh nghiệp, qua đó kích thích sản xuất và kích cầu tiêu dùng. Có thể nhìn thấy ngay trước mắt những dịch vụ, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã được giảm giá so với trước khi chính sách giảm thuế được áp dụng.

“Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng nếu có thể xem xét tiếp tục kéo dài sang năm 2024 để vừa hỗ trợ cho an sinh xã hội trong bối cảnh người lao động mất việc làm hoặc người nghèo bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, cũng như giúp cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho. Đó cũng là một yếu tố tôi cho rằng sẽ là bệ đỡ cho sự phục hồi của thị trường, cũng như có thêm niềm tin cho sự phục hồi sản xuất của doanh nghiệp”- TS. Nguyễn Quốc Việt nêu./.