chau phi

Công nhân châu Phi tại công trường xây dựng đường cao tốc ở Nairobi, Kenya. Ảnh: Xinhua

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Nairobi của Kenya ngày 5/4, Giám đốc điều hành khu vực châu Phi của OPIC Worku Gachou cho biết khoản ngân sách nói trên giúp Mỹ mở rộng cũng như tăng cường chất lượng của các dự án đầu tư vào châu Phi. Ngoài ra, một phần của quỹ này cũng sẽ được sử dụng giải ngân vào những dự án mang tính cấp thiết tại lục địa có 1,2 tỷ dân này.

Ông Gachou nêu rõ, OPIC đang đàm phán với các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) tại Kenya - trung tâm công nghệ của châu Phi - cũng như tại các nước lân cận nhằm hiện thực hóa kế hoạch đầu tư có thời hạn 2 năm của OPIC vào lĩnh vực này trong khu vực. Hiện OPIC đã đầu tư 100 triệu USD vào Africell, một trong những mạng di động lớn nhất châu Phi đang hoạt động tại Gambia, Sierra Leone, CHDC Congo và Uganda.

Kế hoạch của OPIC là một phần trong chiến lược tăng cường đầu tư vào các quốc gia đang phát triển của Chính phủ Mỹ. Trước đó, tháng 10/2018, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật cho phép tăng hạn mức cho vay của OPIC từ 29 tỷ USD lên 60 tỷ USD nhằm tăng cường năng lực tài chính của cơ quan này trong việc triển khai đầu tư tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có các nước châu Phi.

Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho châu Phi, với phần lớn các khoản tài trợ tập trung vào các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và cung cấp nước sạch.

Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 4/4 cho biết vừa thông qua khoản ngân sách trị giá 115,5 triệu Euro nhằm giúp tăng cường an ninh, bảo vệ người di cư và tạo công ăn việc làm tại các quốc gia thuộc khu vực Sahel và hồ Chad của châu Phi.

Theo ủy viên về quan hệ quốc tế của EC Neven Minica, cơ quan này quyết định thông qua gói cứu trợ trên trong bối cảnh hoạt động của các nhóm thánh chiến tại khu vực Sahel và hồ Chad đang ngày một gia tăng, qua đó gây bất ổn cũng như đe dọa nghiêm trọng tới an ninh và đời sống của người dân tại đây./.

Theo TTXVN