Xuất khẩu đối mặt nhiều rào cản thị trường
Trong bức tranh xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2024, mặt hàng cá tra có sự tăng trưởng khởi sắc. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cá tra có tín hiệu sáng hơn với mức tăng 23% trong tháng 7/2024. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang tất cả các thị trường chính đều tăng trưởng 2 con số, từ 20-40%, trừ thị trường châu Âu (EU) tăng nhẹ 5%.
Tính chung 7 tháng năm 2024, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,09 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn là thị trường mục tiêu số một của cá tra Việt Nam, với giá trị 317 triệu USD. Thị trường Trung Quốc tiêu thụ chủ yếu là cá tra cỡ lớn trên 1,2 kg/con dạng nguyên con hoặc sản phẩm phile.
Ngoài ra, đây cũng là thị trường tiềm năng cho sản phẩm phụ là bong bóng cá tra. Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu bong bóng cá tra cả nước đạt khoảng 50 triệu USD, riêng xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 40 triệu USD, chiếm 80%.
Nanag cao chất lượng sản phẩm cá tra để vượt qua các đối thủ cạnh tranh. Ảnh: TL |
Cũng theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, là một trong những loại cá nuôi trồng lớn nhất thế giới, cá tra Việt Nam có những lợi thế riêng biệt như giá thành thấp hơn so với các loại cá thịt trắng khác, giúp thu hút được nhiều khách hàng, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi; sản lượng lớn, ổn định; đa dạng sản phẩm...
Theo Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Việt Nam là nguồn cung thứ 2 trong cuộc đua xuất khẩu cá thịt trắng sang Trung Quốc, chỉ sau Nga; đồng thời là nguồn cung cá thịt trắng (chủ yếu là cá tra) lớn thứ 2 cho Mỹ, chỉ sau Trung Quốc. |
Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm cá tra còn chưa đồng đều, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống, thức ăn, môi trường nuôi trồng; phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại như thuế nhập khẩu, các quy định kỹ thuật...
Các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá, gian lận thương mại có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việc các thị trường thay đổi chính sách trong khi chi phí sản xuất cá tra ngày càng tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí nhân công tăng, cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra.
Ngoài ra, cá tra Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia sản xuất cá da trơn khác như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia. Các nước này đều có lợi thế về nguồn nguyên liệu và chi phí sản xuất, tạo ra áp lực không nhỏ lên ngành cá tra Việt Nam.
Tìm kiếm các thị trường mới
Để vượt qua các đối thủ cạnh tranh, bà Thu Hằng - chuyên gia thị trường cá tra (Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam) cho biết, ngành cá tra Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm như: đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng thương hiệu như tạo dựng hình ảnh tích cực cho cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cá tra Việt Nam được xuất khẩu đến gần 140 quốc gia trên thế giới. Ảnh: TL |
Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường bằng cách tìm kiếm các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường cao cấp. Phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng như chế biến cá tra thành các sản phẩm có giá trị cao hơn. Áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến và bảo quản cá tra; ngoài ra tập trung vào phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và đảm bảo phúc lợi cho người lao động.
Hơn nữa, để thành công, ngành cá tra cần chủ động “lấn sâu” thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa thị trường. Như vậy, cá tra Việt Nam sẽ có tiềm năng lớn để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cùng với sự khởi sắc của chế biến và xuất khẩu cá tra hiện nay và quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, dự báo giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ tăng 10% trong quý III/2024.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 7/2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 85 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế xuất khẩu tính đến ngày 15/7/2024 đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. |