Việc bãi bỏ quy định miễn thuế cho hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng góp phần phát triển ngành bán lẻ trong nước. Ảnh tư liệu |
PV: Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Tại Việt Nam, hàng ngày có trung bình 4 - 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng được vận chuyển về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki… không phải chịu thuế. Ông đánh giá thế nào về con số trên?
TS. Phan Phương Nam: Nếu chỉ nhìn vào giá trị từng đơn hàng thì con số này là khá ít, nhưng nếu nhìn tổng thể của toàn bộ hoạt động thương mại điện tử thì giá trị giao dịch trên không hề nhỏ. Có thể nói rằng, khi thương mại điện tử chưa bùng nổ và phát triển với những tiện ích của nó, mặc dù chúng ta vẫn quan niệm “lời ít nhưng bán được nhiều” vẫn tốt, nhưng chưa bao giờ chúng ta có thể hình dung là lượng hàng bán quá lớn như trên.
Đôi khi, có những buổi livestream mà doanh số đem lại rất lớn, trong khi đó hàng bình thường mơ ước trong 1 năm còn chưa đạt đến. Cho nên, theo tôi con số trên là con số rất lớn và nếu Nhà nước không tính thu thuế, mà miễn thuế đối với hàng hóa giá trị nhỏ này sẽ được coi là bỏ qua một khoản thu không nhỏ cho ngân sách.
PV: Tính đến nay, nhiều quốc gia đã bỏ quy định không đánh thuế với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Theo ông, việc bỏ quy định này sẽ tạo sự công bằng trong thương mại ra sao?
TS. Phan Phương Nam: Về nguyên tắc công bằng, mọi hàng hóa như nhau phải gánh chịu thuế như nhau. Theo đó, về lý luận thì việc miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ ban đầu xuất phát từ việc giá trị của hàng hóa khá nhỏ, lượng thuế thu không đáng kể, trong khi nếu thu thì chi phí hành thu cao, nên xét về góc độ hiệu quả thì hiệu quả không cao và nhiều quốc gia miễn thuế.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần sớm xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng được vận chuyển theo đường chuyển phát nhanh nhằm tạo sự công bằng với hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu được vận chuyển bằng các phương thức khác. Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này?
TS. Phan Phương Nam: Trước hết, chúng ta cần biết rằng việc miễn thuế các hàng nhập khẩu giá trị nhỏ ở Việt Nam là xuất phát từ yêu cầu phải thực hiện theo Công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan (Công ước Kyoto) năm 1973 mà Việt Nam ký kết đồng ý tham gia. Trong công ước này có quy định hàng hóa giá trị nhỏ tối thiểu sẽ không thu thuế hải quan và các thuế khác.
Miễn thuế làm mất lợi thế cạnh tranh của hàng ViệtTheo TS. Phan Phương Nam, việc bãi bỏ quy định miễn thuế cho những hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng góp phần cho sự phát triển của ngành bán lẻ hàng hóa trong nước. Bởi lẽ, nếu vẫn miễn thuế thì sẽ giúp cho chủ thể bán hàng ở nước ngoài phát triển vì hàng hóa nhập khẩu về sẽ có giá rẻ hơn so với hàng hóa trong nước do thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu và dần làm mất lợi thế cạnh tranh của ngành bán lẻ Việt Nam. |
Sau đó, mặc dù Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 và các Luật thuế sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng không đề cập, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu số 107/2016/QH13 không quy định về nội dung miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng, nhưng Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế lại quy định vấn đề nêu trên.
Cho nên, xét ở gốc độ đơn giản hóa thủ tục hành chính thì việc quy định miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng là một quy định hợp lý nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính của Nhà nước, tạo sự thuận lợi cho những hoạt động nhập khẩu những hàng hóa có giá trị thấp.
Mặc dù vậy, nếu xét góc độ tài chính của Nhà nước thì quy định này đang tạo nên 2 điểm tiêu cực sau: Không đảm bảo sự công bằng trong quá trình thu thuế so với các hàng hóa khác có giá trị từ 1 triệu đồng trở lên; làm giảm thu cho NSNN một số lượng đáng kể trong điều kiện nguồn thu của Nhà nước đang giảm.
Việc đưa lý do để tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục hành chính cho lô hàng có giá trị thấp, nhưng rõ ràng chúng ta đang tiến tới làm thủ tục online với việc vận dụng công nghệ thông tin hiện đại thì việc khai thủ tục hải quan để quản lý lượng hàng hóa vào Việt Nam nói chung và thu thuế cũng không quá rườm ra, gây mất quá nhiều thời gian và còn được lợi ở các yếu tố: tăng nguồn thu cho NSNN và góp phần tạo nên sự công bằng. Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta cũng nên nhanh chóng xem xét và tiến đến bãi bỏ quy định này để nhằm hướng đến sự công bằng cho các loại hàng hóa nhập khẩu cũng như đem lại lợi ích cho NSNN.
PV: Xin cảm ơn ông!