Ngày 29/6: Giá lúa gạo biến động trái chiều, nhu cầu mua nhiều
Thu hoạch lúa. Ảnh: TL

Giá gạo nguyên liệu thành phẩm tăng nhẹ tại thị trường trong nước

Theo khảo sát, lúa Đài thơm 8 ổn định ở mức từ 6.800 - 7.000 đồng/kg; lúa Nhật trong khoảng 7.800 - 8.000 đồng/kg; OM 18 giá 6.800 đồng/kg; Lúa Nàng Hoa 9 khoảng 6.600 - 6.800 đồng/kg.

Lúa IR 50404 tươi sau khi điều chỉnh tăng hôm qua thì nay giữ giá và được thương lái thu mua ở mức 6.300 - 6.500 đồng/kg. Lúa OM 5451 cũng duy trì mức 6.300 - 6.500 đồng/kg.

Nếp Long An (khô) tiếp tục giữ ổn định 7.700 - 7.900 đồng/kg. Nếp AG (tươi) có giá 6.200 đồng/kg. Nếp An Giang khô dao động quanh mốc 7.400 – 7.600 đồng/kg. Lúa Nàng Nhen (khô) có giá là 13.000 đồng/kg.

Tại các địa phương khác trong vùng giá lúa cũng không có biến động nhiều và duy trì ở mức 6.400-8.000 đồng/kg, tùy giống lúa.

Đối với gạo nguyên liệu và thành phẩm, hôm nay giá điều chỉnh tăng nhẹ 50 đồng/kg. Cụ thể gạo nguyên liệu IR 504 HT dao động quanh mức 9.950-9.970 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg. Gạo thành phẩm IR 504 ở mốc 11.250-11.300 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg.

Riêng tấm IR 504 vẫn ổn định ở mức 9.550 - 9.650 đồng/kg và cám khô dao động quanh mốc 7.400 - 7.550 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo tiếp tục đi ngang, gạo thường còn 11.500 - 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 15.000 đồng/kg; Nếp ruột 16.000 - 18.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.500 đồng/kg; Nàng Hoa 18.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 22.000 đồng/kg; Cám 7.600 - 8.000 đồng/kg; Gạo thơm Thái hạt dài duy trì 18.000 - 19.000 đồng/kg và Hương Lài 19.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới

Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đã có phiên điều chỉnh tăng lên 5 USD/tấn. Theo đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 508 USD/tấn, tăng 5 USD; gạo 25% tấm ở mức 488 USD/tấn, tăng 5 USD. Riêng gạo Jasmine ổn định 578 USD/tấn.

Việc giá gạo xuất khẩu tăng là nguyên nhân khiến nhu cầu mua của các doanh nghiệp nhiều hơn, trong đó nhu cầu mua gạo IR 504 nhiều nhất. Thực tế, hiện nhu cầu nhập khẩu gạo của một số quốc gia đang có xu hướng tăng lên. Chẳng hạn như Indonesia, quốc gia này dự báo nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Trung Quốc cũng không ngoại lệ, khi liên tục thu mua gạo Việt Nam trong thời gian qua, kể cả các loại gạo phẩm cấp thấp để thay thế các nguồn cung chính là Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và Pakistan đang sụt giảm sản lượng.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trung bình mỗi năm, thị trường này cần nhập khẩu tới 5 triệu tấn gạo, trong đó chủ yếu là gạo thơm và gạo nếp. Điều này khiến giá gạo xuất khẩu bình quân vào thị trường này tăng mạnh.

Trong báo cáo mới đây, Fitch Solutions cho biết, thị trường gạo toàn cầu sẽ ghi nhận mức thiếu hụt lớn nhất trong hai thập kỷ vào năm 2023. Fitch Solutions là đơn vị nghiên cứu vĩ mô và là công ty liên kết của hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings. Theo đó, báo cáo dự báo niên vụ 2022 - 2023, toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn gạo, mức thâm hụt lớn nhất kể từ niên vụ 2003 - 2004. Đây là cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới./.