Nghị trường ngay từ đầu phiên chất vấn đã nóng câu chuyện đăng kiểm. Đây là vấn đề nhận được nhiều ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đây là lần đầu tiên Tư lệnh ngành Giao thông vận tải (GTVT) trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng đã thể hiện bản lĩnh, am hiểu về ngành mặc dù thời gian nhậm chức chưa lâu khi trả lời thẳng thắn, không né tránh những câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Không mở lại được trung tâm đăng kiểm do thiếu đăng kiểm viên

Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) chất vấn cho biết, thực tế thời gian qua nhiều trung tâm đăng kiểm ở các địa phương đóng cửa gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

“Nhiều cử tri đề nghị tạo điều kiện mở lại các trung tâm này, vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để thực hiện nội dung này” - đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc hỏi.

Nghị trường nóng câu chuyện đăng kiểm: Làm thế nào để “đánh chuột không vỡ bình”
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của nữ đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, tình trạng cán bộ trung tâm đăng kiểm bị khởi tố, trung tâm bị đóng cửa đến nay không mở lại được chủ yếu do thiếu đăng kiểm viên.

Theo thống kê, trung tâm đăng kiểm ở các nơi đã cơ bản mở lại, chỉ còn 2 tỉnh Bắc Kạn và Hòa Bình chưa mở được.

“Tôi đã trực tiếp làm việc với Bí thư và Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình xem làm thế nào để mở lại. Chúng tôi đã phải hỗ trợ địa phương đào tạo cán bộ để về vận hành trung tâm đăng kiểm. Dự kiến sớm mở lại trung tâm đăng kiểm ở Hòa Bình” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan đến chất vấn của Bộ GTVT đã nêu rõ về “bức tranh” "khủng hoảng đăng kiểm". Theo Bộ này, từ tháng 10/2022 đến nay, cơ quan thực thi pháp luật đã khám xét và khởi tố, bắt giam gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của các trung tâm đăng kiểm với nhiều tội danh khác nhau, theo báo cáo của Bộ GTVT. Đến nay đã có 68 vụ án bị khởi tố, 103 trung tâm đăng kiểm và 4 chi cục đăng kiểm bị khám xét.

"Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhận thấy trách nhiệm của mình khi chưa quyết liệt chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm định phương tiện, chưa tách bạch rõ chức năng quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của Cục Đăng kiểm" - báo cáo nêu rõ trách nhiệm của Bộ GTVT.

Phải gỡ về cơ chế tài chính cho các trung tâm đăng kiểm

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) bấm nút tranh luận cho rằng, với 75% các trung tâm đăng kiểm do các doanh nghiệp ngoài nhà nước đang thực hiện, thì khi họ đầu tư phải thu hồi vốn, với cơ chế tài chính như hiện nay rất khó để doanh nghiệp duy trì các trung tâm đăng kiểm. Việc giãn chu kỳ đăng kiểm, các trung tâm đăng kiểm tư nhân lại không có việc làm, không có thu nhập, sẽ phải giải thể, phá sản. Đại biểu đề nghị cần phải gỡ về mặt cơ chế, vì nếu vẫn giữ cơ chế tài chính hiện nay thì khó cho các doanh nghiệp.

Nghị trường nóng câu chuyện đăng kiểm: Làm thế nào để “đánh chuột không vỡ bình”
Quốc hội trong phiên chất vấn chiều 7/6

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Những vụ việc xảy ra đã gây hiệu ứng lớn, nhân dân phải chờ đợi, doanh nghiệp phải chờ đợi, đi ngược đi xuôi không đăng kiểm được. Thời gian qua đã khởi tố, bắt giam gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của các trung tâm đăng kiểm; có 281 đơn vị đăng kiểm thì 106 trung tâm đăng kiểm đóng cửa. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, khôi phục hoạt động bình thường cho người dân, doanh nghiệp, chúng tôi đã chủ động nghiên cứu để điều chỉnh đơn vị đăng kiểm cho phù hợp thông lệ quốc tế, tiết kiệm chi phí cho người dân”.

Theo đó, bên cạnh phục hồi các trung tâm và rà soát toàn bộ hoạt động đăng kiểm để đảm bảo thông thoáng, Bộ đã ban hành thông tư quy định miễn đăng ký lần đầu cho xe mới và giãn chu kỳ đăng ký để phù hợp quy định các nước trong khu vực, giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Cũng quan tâm đến vấn đề này nhưng ở một góc độ khác, bấm nút tranh luận, đại biểu Quốc hội Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) cho rằng, đây là vấn đề phải quán triệt đúng theo yêu cầu của Tổng Bí thư đã từng nhấn mạnh: trong phòng chống tiêu cực phải làm sao có cách làm khôn khéo, “đánh chuột không vỡ bình”, phải giữ sự ổn định trong thực thi công vụ, để không ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp và nhu cầu của người dân.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Kim Nhung đề nghị người đứng đầu ngành GTVT thông qua vụ việc đăng kiểm, rút ra bài học trong phòng chống tham nhũng tiêu cực để thực chất, thực sự hiệu quả, nhưng phải đảm bảo yêu cầu “đánh chuột không vỡ bình”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, vụ việc đăng kiểm xảy ra là rất đáng tiếc, chúng ta có khoảng hơn 2.000 đăng kiểm viên mà đã xử lý đến 1/3. Để tuyển dụng đăng kiểm viên mất rất nhiều thời gian, đào tạo, tuyển dụng, theo quy trình là cả năm. Cho nên Bộ đã xử lý tình huống bằng cách, đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hỗ trợ lực lượng và huy động đăng kiểm viên trên toàn quốc về nơi thiếu hụt, thậm chí mời người mới về hưu còn sức khỏe làm việc.

“Tôi đã chỉ đạo quyết liệt, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tuyển được 350 đăng kiểm viên. Sắp tới trình Thủ tướng Chính phủ sửa nghị định, có cơ chế điều chỉnh, không nhất thiết 1 quy trình có 3 đăng kiểm viên. Chúng tôi cam kết với các đại biểu Quốc hội chỉ trong hết tháng 6 và chậm nhất không quá tháng 7 các trung tâm đăng kiểm trở lại hoạt động bình thường” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói./.

Trong tháng 7, trung tâm đăng kiểm trở lại hoạt động bình thường

"Chúng tôi cam kết với các đại biểu Quốc hội chỉ trong hết tháng 6 và chậm nhất không quá tháng 7 các trung tâm đăng kiểm trở lại hoạt động bình thường” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói./.