Nghiêng nhiều xu hướng tăng, dù đường đi khá gập ghềnh
So sánh tăng trưởng của chỉ số VN-Index so với các thị trường khác. Nguồn: MBS Research

Chứng khoán sẽ đón đầu tăng trưởng vĩ mô

Báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ sự suy giảm của kinh tế toàn cầu và sự trầm lắng của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tuy nhiên, chuyên gia của MBS cho rằng, kinh tế Việt Nam cũng có nhiều điểm tích cực như: điểm tích cực là các cân đối vĩ mô như lạm phát, tỷ giá hối đoái tương đối ổn định; mặt bằng lãi suất hạ và duy trì ở mức thấp; thanh khoản hệ thống dồi dào; đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh trong các tháng cuối năm.

Theo ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng MBS cho rằng, bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam nửa cuối năm nay sẽ có nhiều cơ hội, nhưng thách thức cũng đan xen. Phân tích về động lực cho tăng trưởng kinh tế, Kinh tế trưởng MBS cho hay, xu hướng hạ suất điều hành sẽ dần thẩm thấu vào nền kinh tế thực trong nửa cuối năm nay; do đó, những doanh nghiệp vững mạnh sẽ cải thiện được kết quả kinh doanh. “Thị trường chứng khoán thường sẽ đi trước đón đầu xu hướng của nền kinh tế” - ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, cũng theo chuyên gia này, việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công cũng được kỳ vọng trở thành lực kéo cho nền kinh tế trong nửa cuối năm. Với mục tiêu của Chính phủ đề ra là giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch trong năm 2023, ước tính sẽ có khoản 550 nghìn tỷ đồng được giải ngân trong 7 tháng cuối năm. Mặt khác, các chính sách tài khóa, nhất là việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với một số sản phẩm dịch vụ nhằm kích thích tiêu dùng nội địa cũng là động lực giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng tốt hơn trong những tháng cuối năm.

Tuy vậy, theo chuyên gia của MBS, lạm phát và lãi suất của thế giới ở mức cao cũng sẽ tác động gián tiếp đến kinh tế Việt Nam. Mặc dù đã có xu hướng tạo đỉnh song lạm phát và lãi suất vẫn neo ở mức cao ở Mỹ và châu Âu khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong năm 2023. Bởi vậy, với nền kinh tế mở như Việt Nam, để đạt được mức GDP như kỳ vọng sẽ rất thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm.

Ngoài ra, nội tại kinh tế Việt Nam, thị trường bất động sản và lượng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng sẽ tạo ra áp lực và kéo chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới.

Xu hướng tăng nhưng gập ghềnh

Thông tin với phóng viên TBTCVN, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối nghiên cứu MBS cho biết, ngày 23/6/2023 VN-Index đang giao dịch ở mức 15,3 lần P/E trượt (giá/lợi nhuận mỗi cổ phiếu) và 1,7 lần P/B (giá/giá trị sổ sách). “Dựa vào những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực sẽ tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi duy trì quan điểm khá thận trọng. Thị trường 6 tháng cuối năm sẽ phục hồi chậm chạp và xen lẫn các nhịp điều chỉnh. Chúng tôi cho rằng, VN-Index sẽ khó có sự bùng nổ về điểm số nếu như các nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vẫn chưa được tháo gỡ cũng như lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt đủ ở mức ngân hàng trung ương các nước mạnh tay đảo ngược chính sách tiền tệ” - bà Hiền nói.

Chuyên gia của MBS dự báo, VN-Index hướng về vùng 1.155 - 1.200 điểm trong nửa cuối năm 2023 trên cơ sở lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng 10% trong năm 2023 và định giá P/E thị trường trong khoảng 12 - 12,5 lần.

Ông Hoàng Công Tuấn cũng cho rằng, VN-Index đã hồi phục xấp xỉ 28% kể từ đáy tháng 11/2022. Vùng giá 1.040 -1.050 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ quan trọng cho thị trường trong thời gian tới. “Chúng tôi nhấn mạnh lại quan điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đã tạo đáy dài hạn vào cuối năm ngoái. Bởi thế, nhà đầu tư không nên quá lạc quan vì thị trường còn những lực cản nhất định, nhưng cũng không nên quá bi quan vì có thể lỡ mất cơ hội” - chuyên gia của MBS chia sẻ.

Nhìn sang năm 2024, ông Tuấn cho rằng, khi mặt bằng lãi suất hạ thêm và lợi nhuận doanh nghiệp hồi phục mạnh mẽ, khi đó thị trường chứng khoán sẽ tiến đến những vùng đỉnh cao mới. “Xu hướng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong hai năm tới vẫn là đi lên, song quá trình này sẽ khá gập ghềnh” - Kinh tế trưởng MBS dự báo.

VN-Index là một trong những chỉ số tăng tốt nhất khu vực

Từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ số VN-Index tăng 10,74% và nằm trong nhóm các thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2023. Mức tăng trưởng của thị trường Việt Nam là vượt bậc so với các thị trường lân cận trong khối ASEAN.

Mức tăng giá của chỉ số VN-Index được dẫn dắt bởi những nhóm ngành như: Chứng khoán, đầu tư công, xây dựng và vật liệu xây dựng. Đây đều là những nhóm ngành được hưởng lợi nhờ xu thế nới lỏng tiền tệ và các chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế gần đây của Chính phủ.