Xuất hiện nhiều thương vụ huy động vốn quốc tế

Một loạt các tổ chức vừa qua đã công bố các khoản vay từ các tổ chức tài chính quốc tế với quy mô vay khá lớn. Trong số đó, Công ty cổ phần Kinh doanh F88 vừa cho biết đã huy động thành công khoản vay có đảm bảo trị giá 50 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) thông qua Lending Ark Asia Secured Private Debt Funds và thêm 10 triệu USD, tương đương 240 tỷ đồng, từ Lendable. Bà Carol Lee Park - Giám đốc điều hành của Lending Ark cho biết, Lending Ark hỗ trợ F88 qua đó tiếp cận những người không đủ điều kiện vay vốn từ ngân hàng hoặc chưa tiếp cận được nguồn tài chính truyền thống, nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

vốn vay nước ngoài

Vay nước ngoài của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng có xu hướng gia tăng.

Không chỉ với doanh nghiệp, các ngân hàng ngoài cuộc đua tăng lãi suất huy động để hút vốn cũng tìm kiếm các kênh huy động từ thị trường quốc tế. Trong đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) vừa ký kết thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD, tương đương gần 12,5 nghìn tỷ đồng từ 5 định chế tài chính lớn bao gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd. Nguồn vốn từ khoản vay này sẽ được ngân hàng sử dụng để đáp ứng các nhu cầu tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam.

Trong khi đó, một ngân hàng khác là SeABank cũng vừa chốt thương vụ huy động vốn quốc tế từ Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC). Theo đó, DFC cấp khoản vay trị giá 200 triệu USD qua SeABank nhằm hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, đồng thời giải quyết các vấn đề khí hậu. Trước khi nhận được khoản vay từ DFC, SeABank cũng đã thực hiện huy động vốn từ một số tổ chức quốc tế khác với gói tín dụng trị giá 220 triệu USD và cũng với mục đích sử dụng vốn giống như trên.

Những hạn chế của dòng tín dụng ngoại

Một số thương vụ vay mượn tài chính từ các tổ chức quốc tế gần đây gợi mở ra một kênh vay vốn từ thị trường quốc tế cho các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính. Thị trường này tuy rất rộng lớn, nhưng việc vay vốn của các tổ chức trong nước từ nước ngoài không vì thế mà có thể “thả phanh”, do hoạt động này bị hạn chế bởi quy định hiện hành về vay và trả nợ nước ngoài.

Thực hiện lộ trình tự do hóa giao dịch vốn một cách thận trọng

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng văn bản mới thay thế Thông tư 12 nhằm hướng tới việc tiếp cận phương pháp quản lý nợ nước ngoài mới, phù hợp với lộ trình tự do hóa tài khoản vốn và khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Theo đó, NHNN cho rằng, việc nghiên cứu, áp dụng một số điều kiện vay mang tính quản lý rủi ro, an toàn thận trọng (như yêu cầu bảo hiểm rủi ro tỷ giá, hạn chế dư nợ vay cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, áp dụng mức trần chi phí vay…) là cần thiết. Do đó, NHNN cũng đang nghiên cứu, quy định một số biện pháp quản lý mang tính kỹ thuật, tập trung vào quản trị rủi ro từ chính các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng vay nước ngoài.

Hiện tại, các hoạt động vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh vẫn được thực hiện theo Thông tư 12/2014/TT-NHNN. Văn bản này đã ban hành từ năm 2014, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thông tư 12 đã đặt ra khuôn khổ pháp lý về điều kiện vay nước ngoài của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vay nước ngoài của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng có xu hướng gia tăng. Nhiều doanh nghiệp phải vay vốn từ công ty mẹ, công ty thành viên để hỗ trợ sản xuất kinh doanh dẫn đến nguy cơ không đảm bảo đáp ứng chỉ tiêu về tổng hạn mức rút vốn ròng trung và dài hạn và mức tăng dư nợ ngắn hạn nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm.

Để có những giải pháp quản lý tốt hơn hoạt động vay nợ nước ngoài, NHNN cũng đang soạn thảo một văn bản khác để thay thế Thông tư 12. Trong đó, quan điểm đáng chú ý trong việc xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 12 là đưa ra các quy định về điều kiện vay chặt chẽ hơn so với Thông tư 12. Mục đích của việc này nhằm quản lý thận trọng hơn hoạt động vay nước ngoài của doanh nghiệp và các ngân hàng, đảm bảo các hạn mức nợ nước ngoài tự vay tự trả hàng năm, qua đó đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài quốc gia. Theo NHNN, các quy định được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu khảo sát kinh nghiệm quản lý nợ nước ngoài của một số quốc gia có điều kiện tương đồng và phù hợp với các khuyến nghị của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đề xuất áp dụng đối với Việt Nam.