Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: VEC

Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: VEC

Những năm qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã nỗ lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng đồng bộ, hiện đại, tăng tính kết nối, góp phần thu hẹp khoảng cách vùng miền…

Đầu tư đồng bộ, góp phần tăng sản lượng vận tải

Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được đầu tư khá đồng bộ, có những bước phát triển mạnh theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng vận tải đường bộ ngày một nâng cao, bước đầu góp phần thực hiện mục tiêu GTVT đi trước một bước trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Bộ GTVT, hệ thống đường bộ hiện nay bao phủ khắp lãnh thổ và đóng vai trò trục chính kết nối mạng lưới giữa các vùng, miền, các cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu, đầu mối giao thông quan trọng. Hệ thống đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài 570.448km, trong đó quốc lộ là 24.136km, đường cao tốc là 816km, đường tỉnh là 25.741km, đường huyện là 58.347km, đường đô thị là 26.953km, đường xã là 144.670km, đường thôn xóm là 181.188km và đường nội đồng là 108.597km. Hệ thống quốc lộ hình thành nên các tuyến hành lang Bắc - Nam, vùng duyên hải và cao nguyên, các tuyến đường Đông - Tây dọc theo miền Trung Việt Nam. Ở phía Bắc, các tuyến quốc lộ tạo thành hình mạng lưới nan quạt với tâm là Thủ đô Hà Nội. Ở phía Nam, các tuyến quốc lộ tạo nên hình lưới…

Cũng theo Bộ GTVT, hiện đã đưa vào khai thác là 816km đường cao tốc, tăng trên 4,8 lần. Hiện tại, Bộ GTVT đang chỉ đạo quyết liệt để khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông để phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2021.

Nhờ việc đầu tư đồng bộ, trọng tâm trọng điểm mà sản lượng vận tải do đường bộ luôn tăng cao. Tính đến hết tháng 11/2019, sản lượng vận tải cả nước đạt hơn 1,4 tỷ tấn hàng, tăng 8,8%; đạt hơn 4,34 tỷ lượt hành khách, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Tăng cường kết nối, lấy đường bộ làm “xương sống”

Cũng theo Bộ GTVT, để nâng cao hiệu quả, tạo sự kết nối giữa đường bộ và các loại hình vận tải khác, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) chuẩn hóa hệ thống đường bộ đạt cấp kỹ thuật theo quy hoạch và đồng bộ cấp đường trong khu vực, phù hợp với các điều ước quốc tế đã ký kết, góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu quy hoạch phát triển GTVT.

Theo đó, sẽ tăng cường tính kết nối với các nước trong khu vực, kết nối giữa vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác, kết nối các đầu mối vận tải, đầu mối kinh tế, các trung tâm logistics; ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, huy động đầu tư xã hội hóa cũng như kêu gọi các nguồn vốn như ODA, FDI... để tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ kết nối theo đúng lộ trình và chuẩn hóa hệ thống quốc lộ.

Bên cạnh đó, cũng chỉ đạo Tổng cục ĐBVN xây dựng phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng du lịch, tuyến cố định; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh theo định kỳ hàng năm nhằm tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách; tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tái cơ cấu vận tải; hình thành và đưa vào vận tải các tuyến vận tải mẫu nhằm mục tiêu giảm thị phần vận tải đường bộ và giảm chi phí vận tải.

Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về kết nối sàn giao dịch vận tải hành khách, hàng hóa với phương thức vận tải khác làm cơ sở phát triển dịch vụ logistics cho phù hợp với lộ trình phát triển dịch vụ logistics Việt Nam; nghiên cứu các giải pháp và cơ chế nhằm thúc đẩy hoạt động của sàn giao dịch vận tải hàng hóa, hạn chế xe chạy rỗng để tiết kiệm chi phí, đồng thời nghiên cứu hình thành sàn giao dịch chung cho các phương thức vận tải; tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, nhân dân…

Trí Dũng - Văn Nam