Tây Nguyên

Diễn đàn trực tuyến "Kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản khu vực Tây Nguyên" diễn ra sáng 25/9. Ảnh: Khánh Linh

Sáng 25/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức diễn đàn trực tuyến "Kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản khu vực Tây Nguyên". Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì diễn đàn.

Doanh nghiệp thiếu hàng, nông dân thừa nông sản​

Tại diễn đàn, hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đều cho rằng nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm đặc trưng của các tỉnh Tây Nguyên đang rất lớn. Theo ông Hồ Phước Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ngoài sản lượng cà phê, hồ tiêu, cao su, Gia Lai còn có 18.000ha trái cây (chủ yếu là bơ, sầu riêng, chanh leo, mít, chuối, xoài…) và 34.000ha rau các loại cần được kết nối tiêu thụ.

Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết trong tháng 9, 10 tỉnh còn một số sản phẩm rau, quả tươi cần được kết nối tiêu thụ như 7.000 - 9.000 tấn bơ, 12.000 - 15.000 tấn sầu riêng và một số sản phẩm khác. Còn đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk cho hay, tỉnh này đang có 20.000 tấn sầu riêng, 10.000 tấn bơ đến kỳ thu hoạch cần kết nối tiêu thụ sớm để được giá tốt nhất.

Trong khi các tỉnh Tây Nguyên đang lo lắng về đầu ra cho các nông sản chủ lực của tỉnh như sầu riêng, chanh leo, khoai lang,... thì các doanh nghiệp lại quan tâm đến nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến vì thường xuyên thiếu những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu.

Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu chia sẻ, một năm trở lại đây, ngoài thị trường Trung Quốc, Công ty Chánh Thu mang quả sầu riêng của Việt Nam sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc…

“Chúng tôi xác định quả sầu riêng sẽ là sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong thời gian tới nên công ty đã đầu tư nhà máy công suất lớn với 300 - 500 tấn/ngày. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất vẫn là nguồn nguyên liệu đầu vào. Hi vọng trong mùa vụ tới, tỉnh Đắc Lắk có thể cung cấp được cho Chánh Thu 3.000 tấn sầu riêng, qua đó xây dựng được tư duy về nguồn cung ổn định nơi người nông dân.” - bà Ngô Tường Vy kì vọng.

Tương tự, ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, thông tin thêm, hiện nay ở Tây Nguyên, công ty chỉ có 11.000 ha diện tích trồng chanh leo cung cấp cho 4 nhà máy chế biến.

"Sắp tới tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng sẽ diễn ra, trong khi đó hiện nay sản phẩm từ chanh leo của Việt Nam chỉ đáp ứng 20 - 30% nhu cầu thế giới. Chính vì vậy các địa phương, các đơn vị ở khu vực Tây Nguyên cần tiếp tục trồng và phát triển chanh leo theo quy mô lớn.” - ông Đinh Cao Khuê gợi ý.

Bơ Tây Nguyên
Hàng chục nghìn tấn bơ ở Tây Nguyên đến kỳ thu hoạch cần kết nối tiêu thụ sớm. Ảnh: Khánh Linh

Sẽ có sàn giao dịch thương mại nông sản quốc gia

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, trong thời gian tới, diễn đàn sẽ xây dựng sàn giao dịch nông sản của cả nước. Để sàn giao dịch hoạt động có hiệu quả và kết nối tốt người mua và người bán, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo sát sao để cập nhật các thông tin về tình hình sản xuất, các địa chỉ vùng trồng cũng như đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn. Qua đó đem lại lợi ích giữa người sản xuất cũng như doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT luôn hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp, địa phương chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Nhằm thúc đẩy kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp và các địa phương ở khu vực Tây Nguyên, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho hay các nhà bán lẻ luôn rộng cửa chào đón các nhà sản xuất để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhưng hai bên cũng cần mối liên kết chặt chẽ hơn, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh để có thể bán hàng đa kênh, đưa sản phẩm tốt nhất ra thị trường.

Bà Hậu lấy ví dụ, các sản phẩm như sầu riêng, bơ khi đến Hà Nội thì người tiêu dùng cần phải biết khi nào ăn được, ăn ngon nhất. Muốn giải quyết được vấn đề này, cần có sự liên kết, tư vấn từ nhà sản xuất với nhà bán lẻ, khi thực hiện được điều này thì thương hiệu của cả hai bên đều được nâng lên trong lòng người tiêu dùng.

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty Chánh Thu cho biết sẽ đồng hành cùng các hợp tác xã trong tư vấn kĩ thuật, chịu trách nhiệm về vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi liên kết, tạo nguồn cung ổn định để thúc đẩy xuất khẩu.

Khánh Linh