Báo cáo từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) Quảng Nam, khắc phục những tồn tại và vướng mắc trong công tác lập báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) các năm trước, BCTCNN năm 2021 của tỉnh Quảng Nam đã bổ sung được nhiều thông tin hơn và các thông tin đều có chất lượng tốt.

Đơn cử như thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản cố định đặc thù đã được thực hiện tổng hợp số liệu theo từng cấp ngân sách ương ứng theo quy định; qua đó đã nâng cao được vai trò và trách nhiệm của các cơ quan được giao quản lý, sử dụng.

Quảng Nam: Báo cáo tài chính nhà nước năm 2021 đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng
Báo cáo tài chính nhà nước năm 2021 của tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Ảnh minh họa

Về nợ chính quyền địa phương, theo quy định tại Khoản 6, Điều 7 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, mức dư nợ vay ngân sách địa phương của tỉnh Quảng Nam không vượt quá 30% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng tỉnh đã huy động được nguồn tăng thu tiết kiệm chi để tăng chi đầu tư phát triển theo đúng định hướng của trung ương. Do đó, mặc dù địa phương có vay để bù đắp bội chi nhưng không đáng kể (3,2%). Điều này cho thấy, tỉnh Quảng Nam đảm bảo kiểm soát được mức dư nợ cũng như tránh được những rủi ro về nợ, duy trì sự ổn định về kinh tế và chính trị.

Khắc phục những tồn tại và vướng mắc trong công tác lập BCTCNN các năm trước, BCTCNN năm 2021 của tỉnh Quảng Nam đã bổ sung được nhiều thông tin hơn và các thông tin đều có chất lượng tốt.

Báo cáo của KBNN Quảng Nam đã chỉ ra điểm nổi bật nhất trong BCTCNN năm 2021 của tỉnh là thặng dư tài chính nhà nước năm 2021 tăng 101 tỷ đồng so với thặng dư năm 2020. Nguyên nhân một phần là do năm 2021 thu ngân sách nhà nước (NSNN) của tỉnh vượt so với dự toán được giao. Số thặng dư lũy kế này chính là một nguồn lực tài chính tiềm năng mà nhà nước đang và sẽ được hưởng lợi do chênh lệch của hoạt động thu, chi tài chính từ các năm trước mang lại. Đây cũng là căn cứ tài chính cho việc lập kế hoạch NSNN, kế hoạch tài chính nhà nước trong các năm tiếp theo. Qua đó cũng phản ánh được công tác quản lý điều hành thu chi ngân sách địa phương đang được vận hành tốt…

Quảng Nam: Báo cáo tài chính nhà nước năm 2021 đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng
Công chức KBNN thực hiện tổng hợp và lập báo cáo tài chính nhà nước. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, cũng theo KBNN Quảng Nam, mặc dù BCTCNN tỉnh năm 2021 có nhiều điểm nổi bật nhưng cũng không phải là không còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo đó, công tác tổng hợp BCTCNN là một nghiệp vụ tuy không còn mới nhưng khá phức tạp đối với đơn vị, do vẫn còn nhiều vấn đề phải vừa làm vừa hoàn thiện. Nhiều bước phải thực hiện thủ công nên gây nhiều khó khăn cho cán bộ tổng hợp.

Hơn nữa, phạm vi của BCTCNN rất rộng, nhiều chế độ kế toán nhà nước mới được triển khai thực hiện, kế toán đơn vị chưa chủ động nghiên cứu sâu nên việc tổng hợp, cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị dự toán cũng chưa hoàn toàn đầy đủ, chính xác dẫn đến báo cáo gửi lên hệ thống bị từ chối nhiều lần gây mất rất nhiều thời gian.

Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng chưa đầy đủ, do địa phương chưa hoàn thành kiểm kê, phân loại, xác định giá trị và việc giao, quản lý, sử dụng, khai thác tài sản chưa được quan tâm sâu sắc, dẫn đến việc cung cấp số liệu trở nên khó khăn, mang tính chất đối phó…

Để công tác lập BCTCNN năm 2022 đạt được kết quả cao hơn nữa, KBNN Quảng Nam đề xuất các ngành, các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến về công tác lập BCTCNN nhằm nâng cao vai trò, lợi ích của BCTCNN đối với công tác quản lý, điều hành ngân sách của địa phương.

Để công tác lập BCTCNN năm 2022 được nhiều thuận lợi hơn nữa, KBNN Quảng Nam đã đề xuất một số giải pháp cụ thể như: nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực làm công tác kế toán trong khu vực nhà nước thông qua đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, cải tổ bộ máy kế toán. Đồng thời, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác BCTCNN trong hệ thống KBNN, đặc biệt là khả năng nghiên cứu, phân tích chuyên sâu BCTCNN. Ngoài ra, các ngành, các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến về công tác lập BCTCNN nhằm nâng cao vai trò, lợi ích của BCTCNN đối với công tác quản lý, điều hành ngân sách của địa phương.