Tư nhân tham gia dịch vụ công có thể san sẻ bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Ảnh: TL
Lợi ích từ việc tư nhân tham gia đầu tư công
Việc Nhà nước bỏ vốn cùng với tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ công sẽ huy động được các nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ công; góp phần giảm dần đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) mà vẫn tham gia quản lý trực tiếp các dịch vụ công vì lợi ích chung của xã hội.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các cơ chế chính sách tạo thuận lợi để tư nhân đầu tư nguồn lực thông qua đấu thầu cung ứng và xã hội hóa dịch vụ công. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề về chính sách chưa thực sự thu hút được vốn đầu tư của khu vực tư nhân trong cung ứng dịch vụ công, chưa đem lại hiệu quả mong muốn.
PGS.TS Đỗ Đức Minh – Trường Đại Học Tài chính – Quản trị kinh doanh cho biết, hiện nay đầu tư công không còn là "sân chơi" riêng của các doanh nghiệp nhà nước. Hệ thống đường sá, sân bay, cảng biển, hàng không, thông tin, những lĩnh vực được coi là khó làm, nay đã có sự đóng góp ngày càng lớn của khu vực kinh tế tư nhân. Hàng loạt các công trình giao thông vận tải với số vốn không nhỏ của tư nhân như hầm đường bộ Đèo Cả (26.000 tỷ đồng), hầm Hải Vân 2 (7.200 tỷ đồng), cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (45.000 tỷ đồng), cầu Bạch Đằng (7.200 tỷ đồng) … đã được thực hiện.
Ngành hàng không đã có bước phát triển mạnh mẽ khi có sự góp mặt của những tên tuổi như Vietjet Air, Bamboo Airways. Những doanh nghiệp tư nhân này tạo sức cạnh tranh ngược trở lại, buộc doanh nghiệp hàng không nhà nước như Vietnam Airlines phải chuyển mình. Cùng với đó, sân bay Vân Đồn hoạt động từ năm 2018, là sân bay tư nhân đầu tiên và cũng là một trong 9 sân bay quốc tế hiện đại nhất nước ta, do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư, đã mang đến cho người dân sự tiện lợi đáng kể trong việc đi lại.
Nhiều địa phương đã khuyến khích tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ công (DVC). Đơn cử ở thành phố Đà Nẵng, các công ty tư nhân và các tổ chức xã hội cung ứng các DVC như: tư vấn, giáo dục, khám chữa bệnh, cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, xe buýt có trợ giá, dịch vụ tắm biển, lễ hội pháo hoa quốc tế…
Chính quyền TP. Đà Nẵng đứng ra mua DVC của tư nhân như dịch vụ quản lý tòa nhà trung tâm hành chính tập trung, bảo dưỡng phương tiện tin học hay các công việc tạp vụ trong cơ quan nhà nước…. Thực tế cho thấy, nếu thành phố bỏ qua việc huy động tư nhân cùng tham gia cung ứng DVC, thì sẽ khó giải được bài toán ngân sách và cũng không phát huy hết các tiềm năng trong xã hội.
Vẫn còn nhiều "hạt sạn"
Theo ông Đỗ Đức Minh, việc thiếu kiểm soát dẫn đến tình trạng chất lượng của DVC chưa đảm bảo. Khi nhiều cơ sở tư nhân được thành lập tự phát, tốc độ xã hội hóa ồ ạt, quyền lợi của người thụ hưởng dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực, nhất là khi công tác kiểm tra giám sát không chặt chẽ và bài bản, khó kiểm soát được chất lượng.
Có thể kể đến tình trạng nhiều trường mầm non của tư nhân thiếu giáo viên được đào tạo bài bản, không đáp ứng đủ về không gian, thực phẩm và các điều kiện chăm sóc trẻ; các bệnh viện và phòng khám tư tùy tiện nâng giá thuốc và chi phí khám chữa, các công trình cơ sở hạ tầng chất lượng kém…
Sự cố nước nhiễm dầu của Nhà máy nước sông Đà vào tháng 10/2019 phần nào cho thấy, cơ quan quản lý đã thiếu trách nhiệm kiểm soát chất lượng đối với các DVC được khối tư nhân cung ứng cho xã hội.
Nguyên nhân một phần do hầu hết các doanh nghiệp tư nhân chỉ là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; một bộ phận doanh nghiệp tư nhân năng lực tài chính yếu kém, hạn chế về kiến thức, am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, vì lợi ích nhóm mà thiếu trách nhiệm xã hội, cung ứng DVC không đảm bảo, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân, ông Minh cho biết thêm.
Dù mang lại những kết quả tích cực nhưng việc khuyến khích tư nhân tham gia cung cấp DVC vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, rủi ro lớn nhất với các doanh nghiệp là tính bất ổn định, thay đổi liên tục của cơ chế, chính sách, khiến trong một vài lĩnh vực, khối tư nhân đang “ngại” tham gia.
Ngoài ra, ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Văn Lâm (Hưng Yên) chia sẻ, hiện nhiều doanh nghiệp còn đang vướng mắc bởi nhiều thủ tục hành chính rườm rà như: thủ tục thuê đất, vay vốn, thủ tục đầu tư với không ít chi phí “không chính thức”, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận quy hoạch, chính sách, đất đai, thông tin… và còn tồn tại phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước.
Đó là một số vấn đề cần được nghiên cứu, tháo gỡ về mặt chính sách, nhằm "mở" hơn nữa cho tư nhân tham gia ngày càng sâu rộng vào lĩnh vực đầu tư dịch vụ công.
Quang Huy