Đã tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung tại dự thảo Nghị định
Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 282/TTr-BTC ngày 22/12/2023 trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, thay thế Nghị định số 29/2018/NĐ-CP cũng quy định về lĩnh vực này trước đó.
Sắp có quy định cụ thể cơ quan, người thẩm quyền quyết định tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Ảnh TL minh họa |
Tuy nhiên, ngày 18/10/2024 Chính phủ đã có Tờ trình số 678/TTr-CP trình Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách (trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công).
Ngày 28/10/2024, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã có báo cáo thẩm tra số 2575/BC-UBTCNS15 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung này. Dự kiến dự án Luật sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8 và dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Theo dự thảo Luật đã trình Quốc hội, đối với lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công có điều chỉnh một số quy định về tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân như quy định về: hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân (tại Điều 109); trình tự, thủ tục xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân (tại Điều 110).
Để đảm bảo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật (các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn Luật sẽ được xây dựng và ban hành phù hợp với Luật sửa đổi bổ sung), trên cơ sở ý kiến của các thành viên Chính phủ, ý kiến của các tổ chức, cá nhân và định hướng quy định về tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, Bộ Tài chính đã tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung tại dự thảo Nghị định so với dự thảo đã trình Chính phủ trước đó.
Không phải phê duyệt phương án xử lý tài sản đối với vật tiêu hao
Bộ Tài chính cho biết, tại dự thảo Nghị định đã chỉnh lý quy định về phân cấp, phân quyền trong việc xác lập quyền sở hữu toàn dân và phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân tại các Điều: 10, 20, 39, 43 và 47 dự thảo Nghị định theo hướng:
Đối với thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân: Quy định cụ thể cơ quan, người thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Ảnh minh họa |
Đối với thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản: Quy định cụ thể tại dự thảo đối với các trường hợp đã rõ về thẩm quyền và có thể áp dụng thống nhất; các trường hợp khác thì thực hiện dẫn chiếu thực hiện theo quy định tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung.
Trên cơ sở đó, chỉnh lý quy định về trình tự, thủ tục lập, phê duyệt phương án xử lý tài sản và tổ chức thực hiện phương án xử lý tài sản tương ứng tại các Điều: 12, 13, 21, 22, 41, 44 và 49 dự thảo Nghị định cho phù hợp với thẩm quyền nêu trên.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chỉnh lý một số nội dung theo ý kiến của thành viên Chính phủ.
Theo đó, quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh theo hướng loại khỏi phạm vi điều chỉnh đối với tài sản đã được điều chỉnh tại các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan (khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị định).
Về hiệu lực thi hành, để bao quát các trường hợp văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Nghị định được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì vẫn đảm bảo cơ sở để thực hiện, dự thảo Nghị định bổ sung quy định: Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Nghị định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo quy định tương ứng tại văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó. |
Trường hợp tài sản là vật tiêu hao thì cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận có trách nhiệm quản lý, sử dụng để thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; không phải làm thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và lập, phê duyệt phương án xử lý tài sản (khoản 3 Điều 1 dự thảo Nghị định).
Xác định giá bán tài sản, giá trị tài sản để giao, điều chuyển quy định tại các Điều từ 91 đến 100 dự thảo Nghị định.
Hoàn thiện quy định xử lý tài sản là ngoại tệ (Điều 8, Điều 13, Điều 15 dự thảo Nghị định).
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên về một số nội dung:
Đối với vật chứng của vụ án mà có Quyết định xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật, không phải tịch thu thì việc quản lý, xử lý vật chứng đó được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan, không thực hiện theo quy định tại Nghị định (khoản 11 Điều 4 dự thảo Nghị định).
Bổ sung trường hợp tài sản được xử lý theo hình thức “tiêu hủy” gồm “thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết” (điểm đ khoản 5 Điều 8 dự thảo Nghị định).
Về nguyên tắc xác lập, quản lý và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân (Điều 4 dự thảo Nghị định): Đưa một số nguyên tắc về việc xử lý tài sản bị tịch thu và tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam (đang quy định tại khoản 2 Điều 6 dự thảo Nghị định) để bổ sung vào Điều 4 về nguyên tắc xác lập, quản lý và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân để đảm bảo thống nhất, dễ theo dõi trong quá trình áp dụng Nghị định.
Về thủ tục thanh toán chi thưởng/thanh toán phần giá trị tài sản cho tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm (Điều 108, Điều 109 dự thảo Nghị định), Bộ Tài chính hoàn thiện theo hướng cơ quan, đơn vị tiếp nhận thông tin của tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản có văn bản đề nghị chi thưởng/thanh toán phần giá trị tài sản cho tổ chức, cá nhân này gửi đến cơ quan, người có thẩm quyền quyết định chi thưởng/thanh toán phần giá trị tài sản (không yêu cầu tổ chức, cá nhân phát hiện phải đề nghị). Đồng thời, bỏ Mẫu đề nghị chi thưởng/thanh toán phần giá trị tài sản của tổ chức, cá nhân.
Theo Bộ Tài chính, việc đưa ra những quy định này nhằm tạo thuận lợi, khuyến khích tổ chức, cá nhân phát hiện và tự nguyện chuyển giao tài sản cho Nhà nước. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tiếp nhận tài sản thì chủ động thực hiện thủ tục chi thưởng/thanh toán phần giá trị tài sản cho tổ chức, cá nhân. |