Giúp doanh nghiệp giảm hơn 50% chi phí

Là đơn vị đầu tàu của ngành Hải quan, với số thu nộp ngân sách nhà nước đứng thứ nhất, chiếm khoảng gần 1/3 số thu toàn ngành và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đứng thứ hai toàn ngành, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư mạnh mẽ vào việc áp dụng công nghệ tiên tiến, nhất là triển khai Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS), Hệ thống quản lý hàng hóa tại cảng biển (VASSCM), Hệ thống E-Manifest… đã kết nối dữ liệu giữa cơ quan hải quan và các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi, giúp hỗ trợ theo dõi và giám sát luồng hàng hóa ra vào cổng, từ đó giảm thiểu đáng kể khối lượng thủ tục giấy tờ, chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) trên địa bàn.

Doanh nghiệp làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn
Doanh nghiệp thực hiện thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn

Chia sẻ những tiện lợi mà Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh mang lại cho doanh nghiệp, ông Lương Minh Trí – Trưởng Phòng XNK Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, cho biết việc nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp mỗi năm một tăng, với trung bình mỗi ngày làm thủ tục cho trên 100 tờ khai XNK. Các ứng dụng do Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh triển khai đã giúp doanh nghiệp thực hiện thông quan hàng hóa rất nhanh, giảm chi phí logistics rất nhiều, ước tính hơn 50%.

Với khoảng 4 nghìn doanh nghiệp FDI thường xuyên làm thủ tục XNK, mỗi ngày Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư – Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thông quan trung bình trên 3 nghìn tờ khai, kim ngạch XNK trên 100 triệu USD. Nhờ hướng dẫn, cập nhật thông tin kịp thời, phần lớn số doanh nghiệp này đều nắm chắc quy định, chấp hành tốt pháp luật hải quan nên hàng hóa XNK phần nhiều được miễn kiểm tra thực tế.

Theo ông Vũ Văn Cường - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ XNK Thế Giới Xanh, doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục XNK qua cảng Cát Lái, các khâu khai báo hải quan, thông quan hàng hóa, nộp thuế 24/7, tra cứu luồng đi của tờ khai… đều được thực hiện trên hệ thống điện tử của cơ quan hải quan. Nếu hệ thống đường truyền của cơ quan được cải thiện đồng bộ, việc thông quan hàng hóa chắc chắn sẽ nhanh hơn rất nhiều, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Công ty CP Logistics Hoàng Hà Lê Khắc Sáu, với việc làm đại lý thủ tục hải quan cho khoảng trên 100 doanh nghiệp, lượng hàng hóa XNK có liên quan là rất lớn. Các chương trình ứng dụng trong thông quan hàng hóa tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện khá thuận lợi, bởi thủ tục ngày càng đơn giản do thực hiện thông quan trên môi trường điện tử, giúp doanh nghiệp tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí rất nhiều…

Lấy con người làm trọng tâm trong hoạt động số hóa

Theo chia sẻ của lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số là một quá trình tất yếu, đơn vị đã ban hành kế hoạch và thành lập ban chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả cũng như chất lượng hoạt động, đưa ra chiến lược, kế hoạch và định hướng trong các hoạt động chuyển đổi số. Qua đó, đơn vị đã chủ động xây dựng và triển khai các ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, cũng như nghiệp vụ nhằm hỗ trợ các công tác đặc thù.

Lượng container tồn cảng biển TP. Hồ Chí Minh tăng vọt sau Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Đỗ Doãn
Thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái, TP Thủ Đức. Ảnh: Đỗ Doãn

Cụ thể, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện các phân hệ ứng dụng tích hợp trên hệ thống quản trị nội bộ HCAS theo hướng số hóa, điện tử hóa quy trình các lĩnh vực công tác, hỗ trợ nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong chỉ đạo điều hành, văn thư lưu trữ, tổ chức, thanh tra kiểm tra, quản lý thuế, thống kê, xử lý vi phạm, sau thông quan, phân tích phân loại, quản lý rủi ro, bảo quản hàng hóa, báo cáo quyết toán, theo dõi trạng thái tờ khai tại các khâu trong quy trình nghiệp vụ…

Cùng với đó, đơn vị đã triển khai thành công một số đề án mang tính đột phá như Đề án tạo thuận lợi thương mại: thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa XNK tại cảng Cát Lái; Đề án ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, người lao động; Đề án đào tạo phân tích hình ảnh máy soi cho cán bộ, công chức làm nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa, hành lý bằng máy soi; Đề án ứng dụng CNTT trong việc nâng cao công tác quản lý, theo dõi giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; Đề án quản lý các doanh nghiệp đại lý thủ tục hải quan…

Về hoạt động số hóa thời gian tới, với việc xác định yếu tố con người làm trọng tâm của tiến trình chuyển đổi số, đơn vị sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để khai thác sức mạnh của công nghệ, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế nhiệm yêu nghề, ứng dụng hiệu quả công nghệ vào công tác soi chiếu, camera quan sát, phân tích hình ảnh, phân loại hàng hóa, quản lý rủi ro, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chống buôn lậu, chống hàng gian hàng giả, phát hiện ma túy, vũ khí...

Thực tế cho thấy, mặc dù đạt được nhiều thành tựu, quá trình chuyển đổi số của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh vẫn đối mặt với không ít thách thức về hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực, tích hợp dữ liệu... Để giải quyết các vấn đề này, đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp chiến lược như đầu tư hạ tầng hệ thống CNTT hiện đại, đào tạo nhân lực chuyên sâu, khuyến khích công chức nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến…