Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc có tác động tích cực tới Việt Nam
Tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc vào năm 2023 được dự báo ở mức 5,1%. Ảnh: TL

Mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 có thể đạt khoảng 5%

Theo số liệu do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc mới công bố, Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng 4,9% trong quý III/2023từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn mức dự báo của các nhà kinh tế là 4,6%. Xét theo quý, GPD quý III cũng tăng 1,3% so với quý trước, cao hơn mức dự báo 0,9% của các nhà kinh tế. Đi kèm là nhiều chỉ số tích cực về sản xuất và công nghiệp.

Trung Quốc cũng ghi nhận mức tăng trưởng 4,5% trong sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ tăng 5,5% trong tháng 9 so với một năm trước đó - cả hai chỉ số này đều vượt xa kỳ vọng của thị trường. Đầu tư tài sản cố định tăng 3,1% trong 9 tháng so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn đôi chút so với mức dự báo trung bình là 3,2%...

Động lực phục hồi cho thấy Trung Quốc có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 mà chính phủ nước này đặt ra là khoảng 5%. Cục Thống kê Trung Quốc cho biết, quốc gia này có thể đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 nếu tăng trưởng quý IV/2023 đạt mức 4,4%.

Theo Cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương số tháng 10/2023 của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc vào năm 2023 được dự báo ở mức 5,1% và sẽ giảm xuống còn 4,4% trong năm 2024.

Các nhà kinh tế và các nhà quan sát cho rằng, đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc sẽ hỗ trợ các nền kinh tế khác. Tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc có tác động lan tỏa và các quốc gia khác chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ đà tăng trưởng tích cực này.

Việt Nam cần chủ động đa dạng hóa thị trường

Theo ông Aaditya Mattoo - Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, sự thay đổi của 1% trong tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng trong khu vực là 0,3%. Việt Nam có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc.

Trong năm 2022, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Vì vậy, sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc được đánh giá là sẽ có tác động tích cực tới Việt Nam, nhất là trong giai đoạn khó khăn do cầu thế giới sụt giảm hiện nay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, các quốc gia trong khu vực mà Trung Quốc là đối tác thương mại lớn như Việt Nam cần đa dạng hóa điểm đến của hàng xuất khẩu cũng như đa dạng hóa các mặt hàng sản xuất.

“Quốc gia càng đa dạng hóa và hướng tới các thị trường khác thì càng có thể tránh khỏi tác động lớn do việc giảm tốc tăng trưởng của một đối tác thương mại lớn” – ông Aaditya Mattoo nhấn mạnh.

Theo TS. Bùi Duy Tùng Đại học RMIT Việt Nam cũng khẳng định, đa dạng hóa vẫn là chiến lược cần ưu tiên hàng đầu. Theo đó, các doanh nghiệp Việt cũng cần giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc bằng cách khẩn trương tìm kiếm các thị trường thay thế và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Theo TS. Tùng, cách tiếp cận này có thể xem như một “hàng rào kép” bảo vệ chống lại cả những rủi ro ngắn hạn liên quan đến suy thoái kinh tế của Trung Quốc (nếu có) và những rủi ro dài hạn từ việc giảm phát nhập khẩu. Chính phủ có thể hỗ trợ việc này thông qua các biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn nguyên liệu thô từ nhiều quốc gia khác nhau.

“Ngoài ra, chiến lược phòng ngừa rủi ro tiền tệ cần phải được triển khai để đối phó với sự biến động của tỷ giá đồng Việt Nam/Nhân dân tệ, đặc biệt khi giá trị tiền tệ có thể trở nên không thể đoán trước” - TS. Tùng lưu ý./.