Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh tại hội thảo “Phát triển Nông nghiệp bền vững trong hội nhập ASEAN” do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức ngày 15/9/2016, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, là một thành viên trong Cộng đồng ASEAN, Việt Nam là một quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển bằng đường bộ, đường không và đường thủy, tài nguyên sinh học phong phú, lực lượng lao động cần cù, sáng tạo. Nông nghiệp không chỉ là ngành truyền thống mà có khả năng lan tỏa các khu vực và tăng khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, hiện nay nông nghiệp Việt Nam đang bộc lộ nhiều bất cập như tăng trưởng chậm, thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa bền vững và có biểu hiện chậm lại, sức cạnh tranh chưa cao.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, giải pháp để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong Cộng đồng ASEAN, chinh phục chiếm lĩnh thị trường ASEAN rộng lớn tiềm năng này, trước tiên ngành nông nghiệp Việt Nam phải thực hiện tái cơ cấu theo hướng gia tăng, phát triển bền vững. Tái cơ cấu nông nghiệp cần tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công và dịch vụ công, tạo ra môi trường thuận lợi dựa trên lợi thế so sánh từng vùng, từng địa phương…
Cùng với đó, phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất và giảm giá thành. "Việt Nam hiện là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm…Để duy trì và phát triển lợi thế này, chúng ta phải áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp", Thứ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đặc biệt lưu ý giải pháp đẩy mạnh hệ thống thông tin thị trường và công tác dự báo xúc tiến thương mại.
"Trong thời gian gần đây, thị trường nông sản có nhiều biến động, sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các thị trường ngày càng lớn, nhất là trong thị trường hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, công tác dự báo ngày càng đóng vai trò quan trọng, cung cấp cơ sở khoa học cho người sản xuất, kinh doanh và người tạo lập chính sách; đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại thị trường…”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, tổ chức sản xuất tốt để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp cũng là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này. Hiện, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế, mới chỉ 1% doanh nghiệp toàn quốc đầu tư vào nông nghiệp, trong đó 60% chủ yếu là doanh nghiệp rất nhỏ với vốn đầu tư là 5 tỷ đồng.
"Để tái cơ cấu và thúc đẩy được vai trò của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian tới Chính phủ và các bộ, ngành sẽ có chính sách phù hợp cho doanh nghiệp…", Thứ trưởng cho biết./.
Khánh Linh