Hệ thống giám sát hiện đại của Tổng cục Hải quan. Ảnh: Văn Tá. |
Tiến tới tích hợp vào 1 hệ thống duy nhất
Thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh cũng là xu thế của Hải quan các nước phát triển và là mục tiêu đặt ra trong tiến trình cải cách, phát triển và hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam.
Vì vậy, thời gian qua, ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực và đạt những kết quả đáng ghi nhận trong công tác chuyển đổi số. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu về thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh, nhiệm vụ đặt ra vẫn hết sức nặng nề, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa của công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành.
Mục tiêu tổng quát đặt ra trong xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh.
Toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành Hải quan phải tiếp tục nghiêm túc quán triệt các văn bản chỉ đạo và triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số. Đặc biệt là khẩn trương thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng đã đề ra. |
Công tác quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; hoạt động ổn định, tự động hóa cao hơn các hệ thống hiện hành, khắc phục được các tồn tại bất cập của hệ thống công nghệ thông tin hiện nay, có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới…
Với mục tiêu nêu trên, Hải quan số, Hải quan thông minh sẽ được xây dựng để đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh; hành lý của hành khách xuất nhập cảnh trên nền tảng số, tích hợp các hệ thống vệ tinh đảm bảo việc thực hiện thủ tục hải quan được thực hiện trên 1 hệ thống duy nhất; tạo cơ sở dữ liệu thống nhất, đầy đủ để vừa đảm bảo công tác quản lý về hải quan, vừa không gây lãng phí nguồn lực, tạo thuận lợi cho người khai hải quan...
Ông Nguyễn Văn Thọ được bổ nhiệm giữ chức Tổng cục trưởng và bắt đầu điều hành công việc của Tổng cục Hải quan từ 1/9/2024. Ảnh: Hồng Vân. |
Triển khai xây dựng Hải quan số
Có thể nói, việc đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành Hải quan mang lại lợi ích to lớn không chỉ đối với cơ quan Hải quan mà còn mang lại lợi ích cho hoạt động xuất nhập khẩu, của doanh nghiệp, các bộ, ngành và các bên liên quan khác.
Đồng thời, chuyển đổi số sẽ giúp công tác Hải quan giải quyết vấn đề nội tại của ngành, đặc biệt là đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, nâng cao năng suất lao động của công chức hải quan. Trong đó, chuyển đổi số giúp cho việc thực hiện thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện…; cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Chuyển đổi số của ngành Hải quan góp phần nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong quản lý của cơ quan Hải quan cũng như của các bộ, ngành, thúc đẩy hình thành Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở Việt Nam.
Việc chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý hải quan cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Nguyễn Văn Thọ - Tân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Chia sẻ khi tiếp nhận chức vụ và bắt tay vào làm việc ngày đầu tiên, ông Nguyễn Văn Thọ xác định rõ 3 ưu tiên sẽ tập trung trong thời gian tới.
Trước hết là tiếp tục tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật về hải quan và kiến nghị các bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các nội dung bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan để hướng tới đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về mặt thủ tục hải quan và từng bước nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan. Tập trung củng cố, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo vận hành ổn định.
Bên cạnh đó, chủ động nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, mô hình hải quan quốc tế, các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại tập trung triển khai xây dựng Hải quan số, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan thông qua các công cụ số hóa, góp phần đổi mới phương thức làm việc; xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ quan trọng nhất hỗ trợ, thúc đẩy, cải cách hiện đại hóa hải quan; nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Tân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho hay, ngành Hải quan cũng sẽ bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Nghị định của Chính phủ tổ chức sắp xếp lại tổ chức bộ máy của ngành Hải quan theo hướng tinh gọn, nhiệm vụ được giao không chồng chéo; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được đào tạo chuyên sâu, nâng cao kỷ cương, kỷ luật lao động, kỷ luật nghiệp vụ, xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, hiện đại đáp ứng được yêu cầu đặt ra. |