Khuyến khích đổi mới sáng tạo

Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, công tác bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ nói chung và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ nói riêng vẫn còn một số tồn tại.

Trong đó, các chủ thể Việt Nam chủ yếu là đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chưa có nhiều đơn đăng ký sáng chế. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mặc dù khá sôi động, nhưng chúng ta chưa có nhiều sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao. Đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị tư vấn về quản trị tài sản trí tuệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ chưa được phát triển như kỳ vọng cả về số lượng và chất lượng…

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại; tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2205/QĐ-TTg (ngày 24/12/2020) phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

Điểm mới của giai đoạn 2021-2030 là chương trình tập trung vào tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tạo chuyển biến trong thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030

Sản phẩm Bưởi Phúc Trạch của Hà Tĩnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2010.

Đến năm 2030, số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16 - 18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%; tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình 8 - 10%/năm.

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 đề ra mục tiêu cho từng giai đoạn. Trong đó, đến năm 2025, 100% các trường đại học, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; tối thiểu 40% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

Với lộ trình, mục tiêu cụ thể, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 sẽ mở ra hướng đi mới, khai thác tối đa hiệu quả tài sản trí tuệ của các chủ thể, góp phần đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nhanh chóng triển khai chương trình đạt hiệu quả, đúng tiến độ

Để việc triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 đạt hiệu quả, đúng tiến độ, mục tiêu đề ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ (Cơ quan thường trực chương trình), bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan truyền thống như các bộ, UBND cấp tỉnh, các đơn vị phối hợp triển khai chương trình giai đoạn mới được mở rộng với sự tham gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp. Điều này đã thể hiện quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm của việc xây dựng và triển khai chính sách.

Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, so với các giai đoạn trước đó, các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2030 đã được xây dựng khẩn trương, ban hành đúng tiến độ, bảo đảm được triển khai liên tục, không bị ngắt quãng.

Cục Sở hữu trí tuệ đã hướng dẫn, quy định rõ các quy trình, thủ tục hành chính triển khai chương trình. Đặc biệt là cơ chế tài chính thuộc chương trình được ban hành cơ bản vẫn duy trì ổn định theo cơ chế tài chính của giai đoạn 2016-2020 như định mức hỗ trợ, phân định cụ thể nguồn chi từ Trung ương và địa phương, hỗ trợ đầy đủ các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, hướng dẫn thực hiện đầy đủ các nội dung, giải pháp triển khai Chương trình được phê duyệt theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg.

Trong đó, nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách trung ương để hỗ trợ và thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia của chương trình. Theo đó, Bộ Tài chính giao dự toán ngân sách nhà nước cho Bộ Khoa học và Công nghệ, sau đó giao về Cục Sở hữu trí tuệ để ký hợp đồng với các đơn vị chủ trì. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ sử dụng nguồn ngân sách của bộ chủ quản và quản lý theo tiêu chí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ.

Bên cạnh đó, nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ của chương trình do địa phương quản lý và chi đối ứng thực hiện các nhiệm vụ cấp quốc gia triển khai tại địa phương.

Cục Sở hữu trí tuệ cho biết thêm, hiện nay đơn vị đang tập trung vào việc triển khai nhiệm vụ kế hoạch của năm 2022.

Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận được 115 đề xuất nhiệm vụ của 72 đơn vị, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ là tuyên truyền, tập huấn, đào tạo về sở hữu trí tuệ; xây đựng và vận hành tổ chức quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ cho tổ chức khoa học và công nghệ; áp dụng sáng chế; tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường kỹ thuật số; hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý ở trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, kế hoạch chương trình của các địa phương trong năm 2022 chủ yếu xoay quanh công tác tập huấn, đào tạo cho cộng đồng và doanh nghiệp, hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương./.