Chiều 29/11, trao đổi với báo giới tại TP. Hồ Chí Minh bên lề Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức, ông Anand Stanley - Chủ tịch Airbus khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết Airbus đang tham gia thảo luận với các bên liên quan tại Việt Nam nhằm mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ông Anand Stanley chia sẻ thông tin chiến lược về Tập đoàn Airbus tại Việt Nam. Ảnh Đỗ Doãn |
‘‘Airbus ủng hộ kế hoạch phát triển bền vững tại Việt Nam, tìm hiểu cách thức hỗ trợ chính phủ và các bên liên quan để đáp ứng các mục tiêu khử carbon của Việt Nam, sẵn lòng cùng các đối tác hàng không trong nước hỗ trợ cho sự phát triển của một hệ sinh thái hàng không vũ trụ bền vững” – ông Anand Stanley nói.
Ông Stanley nhấn mạnh, Airbus hiện dẫn đầu trong việc đảm bảo một tương lai bền vững hơn cho ngành hàng không. Điều này đạt được không chỉ thông qua việc giới thiệu máy bay thế hệ mới tiết kiệm nhiên liệu hơn, mà còn giúp tối ưu hóa hoạt động của hãng hàng không với chuyên môn về quản lý vùng trời của công ty con Airbus Navblue. Airbus cũng đang hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hàng không Việt Nam và xây dựng lộ trình phát triển cho các chuyên gia hàng không vũ trụ tương lai với các chương trình cử nhân và sau đại học tại Khoa kỹ thuật Hàng không thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH). Khoa hiện có khoảng 100 sinh viên đang theo học và hơn 30 sinh viên đã hoàn thành các chương trình học.
Theo thống kê, hệ sinh thái công nghiệp của Airbus tạo việc làm cho hơn 1.500 lao động có tay nghề cao tại Việt Nam với tiềm năng tăng trưởng cao. Việc Airbus mở rộng sự hiện diện sẽ tạo thêm các hoạt động kinh doanh, được đóng góp nhờ vào nển công nghiệp sử dụng lao động có trình độ kỹ thuật và đáng tin cậy.
Airbus tiếp tục cam kết hỗ trợ phát triển hệ sinh thái hàng không vũ trụ Việt Nam với sản phẩm và hoạt động hiệu quả để kết nối Việt Nam với thế giới, với các chương trình giáo dục tốt nhất để nuôi dưỡng các tài năng chuyên nghiệp và với ngành công nghiệp tiên tiến nhất đóng vai trò then chốt trong mạng lưới cung ứng hàng không vũ trụ toàn cầu.
Quang cảnh buổi chia sẻ thông tin của Tập đoàn Airbus. Ảnh Đỗ Doãn |
Ông Stanley thông tin thêm, trong những năm qua, Airbus đã phát triển quan hệ đối tác và các dự án hợp tác tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành đối tác khu vực quan trọng trong hệ sinh thái hàng không công nghiệp của Airbus. Trong lĩnh vực sản xuất linh kiện máy bay, Artus (Meggitt) Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh là nhà cung cấp thiết bị cơ điện cho dòng máy bay A320, A330 và A350. Airbus cũng hợp tác chặt chẽ với Nikkiso Việt Nam, công ty chuyên sản xuất các cấu trúc bằng composite cho máy bay A320 Sharklet và các linh kiện cho máy bay A330neo và A350 tại Hà Nội.
''Về giải pháp kỹ thuật số, FPT Software là một trong những đối tác chiến lược của Airbus tiếp nối sự thành công của Skywise, nền tảng kỹ thuật số mà Airbus cho ra mắt năm 2017, đến nay đã được hơn 140 khách hàng sử dụng và hơn 10.000 máy bay được kết nối. Ngành vận tải hàng không tạo ra 2,2 triệu việc làm và đóng góp 12,5 tỷ USD, tương đương 5,2% vào GDP của Việt Nam, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Airbus…” – ông Stanley nói.
Máy bay thương mại Airbus là trụ cột trong đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam, với 220 máy bay Airbus đang khai thác và 118 chiếc đang chờ giao. Dòng máy bay A320 đang được Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines khai thác, mang đến dịch vụ tin cậy và hiệu quả tại thị trường trong nước và khu vực. Ở phân khúc máy bay thân rộng, Vietnam Airlines khai thác A350 - máy bay tầm xa tiên tiến nhất thế giới, trong khi Vietjet khai thác máy bay A330ceo. |