Dấu chân người thợ CIENCO4 trên mọi miền đất nước

CIENCO4 - tiền thân là Cục Công trình, trực thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ra đời đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi đất nước vẫn còn trong khói lửa chiến tranh với vai trò mở đường, xây dựng các tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường. Sau 60 năm, CIENCO4 tiếp tục lớn mạnh, trở thành thương hiệu nhà thầu thi công bảo chứng cho những công trình chất lượng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Dấu chân người thợ cầu đường của CIENCO4 đã in dấu trên mọi miền đất nước, từ đồng bằng, vùng núi cao đến hải đảo hay miền biên viễn xa xôi.

Đất nước Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập phát triển kinh tế, CIENCO 4 với đội ngũ cán bộ công nhân viên với ý chí vươn lên mạnh mẽ đã không ngừng đổi mới tổ chức quản lý, đầu tư thiết bị công nghệ, duy trì và phát triển nguồn nhân lực, đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm... Với nhiều dự án lớn, CIENCO 4 đã để lại ấn tượng sâu sắc, ngày càng được khẳng định là thương hiệu mạnh trong lĩnh vực xây dựng giao thông và đang từng bước mở rộng để trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh trong cả nước.

Giai đoạn 2010 - 2015, nhiều dự án lớn do CIENCO 4 thi công đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đặc biệt các dự án do chiến lược đầu tư đổi mới thiết bị, tích cực áp dụng công nghệ tiên tiến vào thi công các công trình giao thông được lãnh đạo CIENCO 4 xác định là yếu tố sống còn đối với thương hiệu CIENCO 4, như công nghệ xây dựng cầu dây văng, công nghệ đúc hẫng với khẩu độ lớn 150 m…

Nhiều công trình lớn, phức tạp về kỹ thuật, nhờ có thiết bị và công nghệ mới nên đã được thực hiện có hiệu quả, như: công nghệ extradosed thi công cầu dầm cáp hỗn hợp tại Cầu An Đông (Ninh Thuận); công nghệ ván khuôn trượt - MSS, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam tại Cầu Thanh Trì (Hà Nội); thi công trụ cầu cao gần 100m ở cầu Pá Uôn, cầu dây văng Phước Khánh, với chiều cao gần 140 m so với mặt nước, là trụ cầu cao nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay; công nghệ cầu vòm bê tông cốt thép không gian 3 chiều có khẩu độ nhịp lớn nhất Việt Nam tại cầu Cổ Cò, thành phố Đà Nẵng.

Cienco 4 thi công xuyên Tết Quý Mão 2023. Ảnh: Phạm  Phương
Cienco 4 thi công xuyên Tết Quý Mão 2023. Ảnh: Phạm Phương

Đặc biệt, thương hiệu CIENCO 4 đã gắn liền với những tuyến đường, những cây cầu lớn, làm thay đổi diện mạo của mỗi vùng đất và cuộc sống người dân như: Gói 9 TP. Hồ Chí Minh - Long Thành Dầu Giây; dự án hầm đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cầu Kỳ Lam dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; dự án mở rộng quốc lộ (QL) 1, dự án nút giao Thanh Xuân - Hà Nội; dự án QL5 với cầu Thanh Trì; dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện; gói thầu J3 Bến Lức - Long Thành, CP1a Bến Thành - Suối Tiên...

Một dấu ấn quan trọng trong hành trình 60 năm xây dựng và phát triển của Cienco 4 là việc sau gần 50 năm gắn bó với Nghệ An, đầu năm 2013, CIENCO 4 chính thức trở về Thủ đô Hà Nội (nơi thành lập Cục Công trình là tiền thân của Tập đoàn CIENCO 4 ngày nay). Từ đây, lịch sử CIENCO 4 bước sang một trang mới vững vàng vượt qua sóng cả, đưa con thuyền CIENCO 4 tiến ra biển lớn.

Năm 2014 ghi dấu ấn đặc biệt khi CIENCO 4 đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra. Với tổng sản lượng đạt 16.943 tỷ đồng, tăng 395% so với năm 2010; doanh thu đạt 15.867 tỷ đồng, tăng 398%; thu nhập doanh nghiệp đạt 105 tỷ đồng, tăng 269%; đầu tư thiết bị công nghệ đạt 269 tỷ đồng, tăng 230% so với năm 2010; thu nhập bình quân của người lao động đạt 10,082 triệu đồng/người/tháng, tăng 220% so với năm 2010. CIENCO 4 đã đưa cả sản lượng và doanh thu tăng hàng năm trên 10%, trả cổ tức trên 15%.

Ghi nhận những đóng góp lớn lao của CIENCO 4, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. CIENCO 4 luôn là đơn vị vững mạnh toàn diện, dẫn đầu nhiều phong trào thi đua của ngành GTVT Việt Nam.

Giữ vững bản lĩnh người mở đường

Với chiến lược chuyển dần từ doanh nghiệp chuyên thi công kết cấu hạ tầng thành nhà đầu tư và xây dựng hạ tầng giao thông, CIENCO 4 đã tập trung nguồn lực để tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các dự án theo hình thức BOT. Với tiềm lực sẵn có, CIENCO 4 cũng đang hiện diện là một trong những nhà thầu uy tín, được “chọn mặt gửi vàng” tại các dự án nâng cấp đường cất hạ cánh đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao tại nhiều dự án sân bay, khẳng định tên tuổi của tập đoàn trong lĩnh vực này như: Dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất với gói thầu trị giá hơn 650 tỷ đồng, Dự án Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh trị giá 1.283 tỷ đồng, Dự án xây dựng hệ thống đường lăn và sân đỗ máy bay, cung cấp, lắp đặt hệ thống chiếu sáng sân bay Phú Quốc trị giá 874 tỷ đồng…

Tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia

Động lực tăng trưởng 2021 - 2025 của CIENCO 4 sẽ tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia sắp tới như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam và các dự án đầu tư bất động sản cho thuê tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; phát triển quỹ đất liền kề tại các tỉnh thành và một số lĩnh vực năng lượng khác... Dư địa phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 còn rất lớn, đặc biệt cho hạ tầng giao thông phía Nam. Đây cũng là thời cơ lớn cho các thương hiệu xây lắp như CIENCO 4 tiếp tục vươn lên và tỏa sáng.

Về dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Tập đoàn CIENCO 4 cũng vinh dự trúng thầu 2 dự án đầu tư công: gói thầu XL-02 cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 với giá trị hơn 705 tỷ đồng, gói thầu số 2-XL cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với giá trị hơn 1.910 tỷ đồng và gói thầu XL04 Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông với giá trị của gói thầu hơn 1.139 tỷ đồng…

Tại Hà Nội, CIENCO4 cũng tiếp tục trúng thầu tại dự án thi công hầm chui vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (QL1A cũ), quận Hoàng Mai, tổng giá trị 560 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP. Hà Nội. Đây là công trình được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt ùn tắc nghiêm trọng cho khu vực Linh Đàm - Giải Phóng, cửa ngõ quan trọng phía Nam của Thủ đô.

Thời cơ để CIENCO 4 vươn mình ra biển lớn

Điểm đáng chú ý sau 60 năm xây dựng và trưởng thành là việc, tập thể cán bộ, kỹ sư, người lao động CIENCO 4 vẫn luôn giữ vững bản lĩnh người mở đường làm chủ khoa học công nghệ (KHCN) để gia nhập sân chơi lớn hội nhập và phát triển. Không chỉ xây dựng những công trình trên đất liền, CIENCO 4 đã vươn mình ra biển lớn với những cây cầu vượt đại dương với những công trình mang tầm thế kỷ, những dự án đem lại đổi thay cho các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Về công nghệ thi công, CIENCO 4 hiện là đơn vị đi đầu ngành GTVT, ứng dụng các công nghệ mới nhất như công nghệ thi công cầu, xây dựng cầu dây văng, công nghệ đúc hẫng với khẩu độ lớn 150 m...

Thi công không ngừng nghỉ là khát vọng chung của tập thể người CIENCO 4. Theo lãnh đạo tập đoàn, động lực tăng trưởng 2021 - 2025 của CIENCO 4 sẽ tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia sắp tới như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam và các dự án đầu tư bất động sản cho thuê tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; phát triển quỹ đất liền kề tại các tỉnh, thành phố và một số lĩnh vực năng lượng khác... Dư địa phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 còn rất lớn, đặc biệt cho hạ tầng giao thông phía Nam. Đây cũng là thời cơ lớn cho các thương hiệu xây lắp như CIENCO 4 tiếp tục vươn lên và tỏa sáng.