Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, ngoại ô Moskva, Nga.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (41.335 ca), Anh (30.693 ca) và Mỹ (trên 30.000 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.188 ca), Ukraine (793 ca) và Ấn Độ (519 ca).

Như vậy, Nga tiếp tục là quốc gia có số ca mắc và tử vong mới cao nhất thế giới trong 24 giờ qua. Số ca mắc mới ở Nga cũng cao nhất từ đầu dịch tới nay. Tính từ đầu đại dịch tới nay, Nga có tổng cộng trên 8,7 triệu ca mắc và trên 245.000 ca tử vong.

Những con số trên phản ánh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến nghiêm trọng tại Nga, trong khi biện pháp đóng cửa toàn bộ công sở, nhà máy... trong một tuần mà giới chức Nga áp đặt để phòng chống dịch bệnh sắp hết hiệu lực. Nhiều địa phương của Nga đang chuẩn bị sẵn sàng gia hạn biện pháp này. Tuy nhiên, có nhiều cơ quan, doanh nghiệp vẫn sẽ khôi phục hoạt động bình thường từ ngày 8/11.

Hiện Nga là nước ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ. Một phần nguyên nhân là do tỷ lệ người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại nước này khá thấp, chưa đến 35% dân số. Với chủ trương sống chung an toàn với COVID-19, Chính phủ Nga khẳng định sẽ không tái áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như trước đây để đảm bảo nền kinh tế tiếp tục vận hành sau thời gian dài ngưng trệ

Anh cho phép đặt lịch sớm cho mũi tiêm tăng cường

Bộ Y tế Anh ngày 6/11 thông báo sẽ cho phép người dân được đặt lịch tiêm mũi vaccine tăng cường trước khi đủ điều kiện tiêm, nhằm đẩy nhanh tốc độ thực hiện miễn dịch cộng đồng trước khi mùa Đông đến.

Người trên 50 tuổi và người dễ bị tổn thương sẽ vẫn được tiêm mũi tăng cường 6 tháng sau khi tiêm đủ hai mũi vaccine. Nhưng từ ngày 8/11 tới, họ có thể đặt lịch tiêm ngay từ khi mới tiêm được 5 tháng thay vì phải đợi đủ 6 tháng như hiện nay.

Thủ tướng Boris Johnson coi chiến dịch tiêm mũi tăng cường là một biện pháp chủ đạo trong kế hoạch nhằm tránh phải phong tỏa đất nước vào mùa Đông, trong đó tập trung vào tiêm chủng hơn là các quy định giãn cách xã hội hoặc bắt buộc đeo khẩu trang.

Hiện 3/5 người trên 50 tuổi đủ điều kiện đã được tiêm mũi tăng cường tại England, với tổng cộng hơn 9 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường trên toàn Vương quốc Anh hiện nay.

Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cho biết: "Đây sẽ là cách để đẩy nhanh chương trình tiêm mũi tăng cường, đảm bảo Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) có khả năng tiêm nhanh nhất có thể, và đặc biệt là giúp thêm nhiều người được duy trì sự bảo vệ trước COVID-19 vì khả năng miễn dịch giảm theo thời gian".

Bộ trên cho biết mùa Đông sẽ đặt ra thách thức với NHS bởi đây vốn là mùa gia tăng các loại virus như cúm. Anh hiện ghi nhận trung bình 40.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Dù vaccine đã giúp giảm tỷ lệ tử vong, nhưng các bác sĩ cảnh báo sức ép đang ngày càng gia tăng đối với hệ thống y tế.

Australia đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số

Ngày 6/11, Australia đã đạt mốc quan trọng là 80% dân số từ 16 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Thủ tướng Scott Morrison cho biết cho đến nay đã có 35 triệu liều vaccine được tiêm ở Australia.

Sau những chậm chạp ban đầu trong việc triển khai tiêm chủng, Australia hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng nhiều nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), với tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine ở người từ 16 tuổi trở lên cao hơn cả Israel và Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn chênh lệch giữa các cấp địa phương của Australia. Trong khi các bang Victoria, New South Wales và Vùng Lãnh thổ Thủ đô (ACT) đã vượt qua mục tiêu tiêm chủng đầy đủ 80%, hai bang Queensland và Tây Australia còn vài ngày nữa mới đạt được mốc 80% người dân được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Số ca mắc mới tại New Zealand lần đầu tiên vượt 200 ca/ngày

Ngày 6/11, New Zealand ghi nhận 206 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Đây cũng là ngày đầu tiên kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, quốc gia châu Á-Thái Bình Dương này ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng vượt 200 ca/ngày.

Theo báo cáo, Auckland - thành phố đông dân nhất của New Zealand đang là "điểm nóng" của dịch COVID-19 với 200 ca nhiễm mới tại đây. Trong khi đó, thành phố này đang chuẩn bị nới lỏng các hạn chế vào ngày 8/11 tới, thời điểm kết thúc thời gian 3 tháng áp đặt lệnh hạn chế để phòng dịch COVID-19.

Chia sẻ với báo giới, Thủ tướng Jacinda Ardern bày tỏ mong muốn người dân Auckland có thể được tận hưởng một mùa Hè và mùa Giáng sinh như trước khi đại dịch bùng phát, qua đó khẳng định quyết tâm nới lỏng các biện pháp hạn chế đúng kế hoạch đã đề ra theo đúng chủ trương sống chung an toàn với COVID-19 mà nước này đã đề ra.

Trong một tuyên bố khác, Bộ Y tế New Zealand nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của vaccine phòng COVID-19, coi đây là biện pháp tối ưu bảo vệ con người trước dịch bệnh. New Zealand có 5 triệu dân và nước này đang phấn đấu tiêm chủng cho toàn bộ người dân.

Tính đến ngày 6/11, đã có 78% người dân New Zealand từ 12 tuổi trở lên đã hoàn thành tiêm chủng, trong khi số người tiêm chủng một mũi vaccine đạt 89%.

Báo động hệ thống y tế bang Colorado của Mỹ

Tại Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới, số ca mắc mới COVID-19 tại bang Colorado đang gia tăng đáng quan ngại và số bệnh nhân phải nhập viện đang ở mức cao nhất từ đầu năm tới nay.

Theo Tiến sĩ Richard Zane thuộc UCHealth - hệ thống y tế phi lợi nhuận của Mỹ, hệ thống y tế của Colorado đang rơi vào tình trạng quá tải, không còn bất cứ phòng bệnh nào cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác vì toàn bộ phòng bệnh được huy động điều trị bệnh nhân COVID-19.

Trong khi đó, ông Scott Bookman, người phụ trách phòng chống đại dịch COVID-19 của bang Colorado, cho biết 90% giường bệnh toàn hệ thống y tế của bang đã kín chỗ và hiện chỉ có 900 giường bệnh còn trống. Dự báo dịch COVID-19 sẽ tiếp tục chiều hướng xấu đi và tỷ lệ nhiễm bệnh tại bang này có thể lên tới 1/48 người.

Theo dữ liệu tổng hợp của New York Times, tại Colorado, trung bình mỗi ngày có hơn 1.300 bệnh nhân COVID-19 nhập viện - mức cao nhất kể từ tháng 12/2020 - thời điểm bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại bang này lên tới 1.900 ca/ngày.

Cũng giống nhiều nước khác, Mỹ gặp khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng. Hiện Mỹ vẫn là quốc gia có số ca mắc mới hằng ngày cao nhất thế giới với số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua là hơn 71.000 ca/ngày.

Trẻ em dưới 12 tuổi chiếm 20% số ca mắc COVID-19 theo ngày tại Canada

Cơ quan y tế công cộng Canada (PHAC) cho hay số ca mắc COVID-19 là người dưới 12 tuổi chiếm hơn 20% số ca mắc theo ngày tại nước này.

Theo số liệu thống kê, trẻ dưới 12 tuổi chiếm 12% trong tổng 38 triệu dân tại Canada. Hiện có 4,3 triệu trẻ trong độ tuổi này chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Theo Giám đốc PHAC Theresa Tam, số liệu về tỷ lệ mắc COVID-19 ở nhóm trẻ dưới 12 tuổi không quá bất ngờ do các nhóm tuổi khác có tỷ lệ tiêm phòng cao. Cho tới nay, Chính phủ Canada đã đặt mua 2,9 triệu liều vaccine của hãng Pfizer cho trẻ em và nước này đang chờ Bộ Y tế cấp phép sử dụng.

Chiến dịch tiêm chủng tại Canada được triển khai từ tháng 12 năm ngoái và đến nay nước này đã tiêm gần 59 triệu liều vaccine. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 89% dân số từ 12 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong khi đó 84% đối tượng trong diện tiêm chủng đã tiêm đủ liều. Số liệu của PHAC cũng cho thấy 4 triệu người Canada chưa tiêm vaccine.

Theo bà Tam, trong tháng qua, diễn biến dịch tại Canada có chuyển biến tích cực, song số ca mắc giảm với tốc độ chậm. Trong tuần trước, Canada ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở mức bình là 2.230 ca, giảm 50% so với mức đỉnh 4.400 ca của làn sóng dịch thứ 4. Quan chức y tế này cảnh báo Canada có thể chứng kiến biểu đồ dịch bệnh đi lên trong những tháng tới, đặc biệt trong bối cảnh số ca nặng ở mức cao. Bà Tam nhấn mạnh virus SARS-CoV-2 đã chứng minh có thế "tiến hóa" qua thời gian với việc xuất hiện nhiều biến thể mới.

Theo mô hình mới nhất của PHAC, nếu Canada duy trì biện pháp phòng dịch như hiện nay, số ca mắc mới tại bước này có thể ở mức 1.000 ca vào đầu tháng 12 tới. Tuy nhiên, giới chức PHAC cảnh báo chính phủ vẫn chưa nên nới lỏng hoàn toàn các biện pháp kiểm soát dịch.

Đa số các ca mắc mới tại Lào là lây nhiễm trong cộng đồng

Chú thích ảnh
Phun khử trùng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 30/9/2021.
Ngày 6/11, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này có 960 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 955 ca cộng đồng, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 45.980 người.

Bộ trên thông báo số ca mắc mới COVID-19 tại nước này vẫn ở mức cao và lan rộng ra 15/18 tỉnh, thành. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là tâm dịch khi ghi nhận 449 ca cộng đồng trong một ngày. Đáng chú ý, tỉnh Luang Namtha và Luang Prabang tiếp tục có số ca lây nhiễm cộng đồng vượt mức 100 trường hợp trong 24 giờ.

Bộ Y tế Lào cũng cho biết nước này vừa ghi nhận thêm 4 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi từ đầu dịch đến nay lên 81 người. Như vậy, chỉ tính riêng từ đầu tháng 11 đến nay, Lào đã có 16 trường hợp tử vong do COVID-19.

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu đóng cửa các nhà máy công nghiệp và doanh nghiệp trong khu vực có lây nhiễm trong nhà máy và cộng đồng, ngoại trừ nhà máy được Ủy ban Chuyên trách cấp phép, nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế nhưng phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch đã được ban hành. Đơn vị nào chưa hợp tác và không tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19 phải tạm ngừng hoạt động để được xem xét trước khi mở cửa trở lại.

Chính phủ Lào cũng yêu cầu cá nhân nhập cảnh vào nước này theo sự cho phép của Ủy ban Chuyên trách cần cài đặt và đăng ký ứng dụng LaoKYC trong thiết bị di động để sử dụng dịch vụ “Lao Susu” và tạo mã tiêm vaccine để sử dụng như thẻ xác nhận tiêm chủng.

Campuchia đứng hàng đầu khu vực và thế giới về tỷ lệ tiêm phòng COVID-19

Theo ourworldindata.org, Campuchia có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 trên tổng số dân hơn 16 triệu người cao hơn nhiều quốc gia khác ở châu Á.

Tính đến ngày 3/11 vừa qua, Campuchia đã tiêm phòng ít nhất hai mũi cho khoảng 82% dân số nước này, đứng đầu châu Á, cao hơn một điểm phần trăm so với Singapore, Brunei, Hàn Quốc và cao hơn hai điểm phần trăm so với Nhật Bản và Malaysia. Trên thế giới, Campuchia đứng thứ 5 về tỷ lệ tiêm phòng COVID-19, chỉ sau Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE), Bồ Đào Nha, Cuba và Chile.

Bắt đầu từ tháng 10/2021, Campuchia đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường thứ ba cho người dân. Nước này đặt mục tiêu tiêm phòng đầy đủ cho 91% dân số, trong đó gần 45% trẻ em 5 tuổi đã tiêm ít nhất một mũi.

Nhờ chiến lược tiêm phủ rộng vaccine ngừa COVID-19 ở các nhóm tuổi một cách nhanh chóng và hiệu quả, nhờ nguồn vaccine dồi dào do Trung Quốc cung cấp, Campuchia đã có 35 ngày bình thường mới với số ca mắc COVID-19 liên tục ở mức thấp.

Ngày thứ 6 sau khi Thủ tướng Campuchia Samdech Techo tuyên bố mở cửa hoàn toàn đất nước, Campuchia chỉ ghi nhận 73 ca mắc COVID-19, trong đó có 10 ca nhập cảnh và có thêm 6 người tử vong, trong đó 4 người chưa tiêm phòng COVID-19./.