PV: Năm 2023, nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để chia sẻ và hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, tạo động lực phát triển kinh tế, Bộ Tài chính đã tham mưu và đề xuất Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2023. Hiện dự thảo nghị định đang được lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, bộ, ngành liên quan. Theo ông, chính sách này sẽ tác động ra sao đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân? Ông đánh giá như thế nào về động thái này của Bộ Tài chính?

PGS.TS Lê Xuân Trường
PGS.TS Lê Xuân Trường

PGS.TS Lê Xuân Trường: Năm 2023, mặc dù đại dịch Covid-19 đã qua đi, nhưng những hậu quả của nó đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam vẫn chưa dừng lại. Những khó khăn về chuỗi cung ứng, nhân công, thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn đang tác động đến cộng đồng doanh nghiệp.

Đặc biệt, giá dầu thế giới tiếp tục neo ở mức khá cao do nhiều nguyên nhân, dẫn đến những áp lực về chi phí kinh doanh không chỉ ở các doanh nghiệp vận tải và logistics, mà còn tác động dây chuyền đến nhiều lĩnh vực khác. Thêm vào đó, mặc dù được sự hỗ trợ tích cực của chính sách tài khóa và tiền tệ đúng đắn, song mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại hiện khá cao. Điều này dẫn đến sự khát vốn của rất nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, đề xuất gia hạn nộp thuế của Bộ Tài chính là rất đúng và rất trúng. Số tiền thuế được gia hạn chính là nguồn vốn miễn phí của Nhà nước tạo ra cho các doanh nghiệp vốn đang rất khát vốn, như đã phân tích trên; góp phần tạo ra tính thanh khoản cho nền kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh.

PV: Chính sách gia hạn tiền nộp thuế cho người dân và doanh nghiệp được đánh giá là “mũi tên trúng nhiều đích”, là giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc tiếp tục gia hạn nộp thuế sẽ tạo áp lực với việc huy động và quản lý ngân sách nhà nước. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Hiển nhiên khi gia hạn nộp thuế thì trong ngắn hạn, ngân sách nhà nước sẽ bị ảnh hưởng. Tuy vậy, xét trong cân đối ngân sách cả năm thì không bị ảnh hưởng lớn. Khi đề xuất chính sách gia hạn nộp thuế, chắc chắn Bộ Tài chính đã có giải pháp về chính sách tài khóa đảm bảo nguồn ngân sách nhà nước đáp ứng nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách.

Nguồn: Bộ tài chính Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ tài chính. Đồ họa: Văn Chung

PV: Với các chính sách đang được Bộ Tài chính đề xuất, theo ông, doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội gia hạn nộp thuế ra sao để vượt qua khó khăn?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Những nhà kinh doanh là những người rất giỏi tận dụng các cơ hội. Tôi nghĩ, họ không cần lời khuyên từ các chuyên gia. Tôi tin rằng, các doanh nghiệp sẽ tận dụng tốt nhất số tiền thuế được gia hạn này phục vụ nhu cầu sử dụng vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cách có lợi nhất để giảm thấp nhất chi phí sử dụng các khoản vốn khác.

Điều quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay không phải là vấn đề tận dụng cơ hội gia hạn nộp thuế như thế nào, mà là vấn đề phải thay đổi tư duy kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển trong điều kiện nền kinh tế số, với môi trường kinh doanh hoàn toàn khác so với trước đây. Theo đó, các doanh nghiệp cần tạo ra các hàng hóa, dịch vụ có hàm lượng chất xám cao, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển đổi số trong toàn bộ hệ thống quản lý sản xuất, kinh doanh của mình.

PV: Xin cảm ơn ông!

Số tiền thuê đất dự kiến giảm khoảng 3.500 tỷ đồng

Đánh giá tác động tới nguồn thu ngân sách khi tiếp tục thực hiện gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến số tiền thuê đất giảm theo dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ khoảng 3.500 tỷ đồng, tương đương với số tiền thuê đất dự kiến giảm của năm 2022. Với khả năng phục hồi và phát triển của năm 2023 và sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, dự toán thu ngân sách năm 2023 đã được Quốc hội thông qua sẽ đạt và vượt. Vì vậy, số tiền thuê đất giảm theo chính sách này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến số thu ngân sách nhà nước nói chung, nhưng sẽ có tác động lớn tới việc phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp; từ đó tăng thu ngân sách từ thuế để bù đắp cho số giảm thu do giảm tiền thuê đất.